Thực chất, không hình thức

Một trong những nội dung quan trọng trong việc đánh giá cán bộ là lấy phiếu tín nhiệm. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, thể hiện quyết tâm đổi mới của Đảng trong đổi mới công tác cán bộ vì đây là khâu then chốt của then chốt.

Theo Quy định số 96 (thay thế Quy định số 262/2014) của Bộ Chính trị, phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Cụ thể, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội; các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu thực hiện theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp ủy địa phương tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND các cấp bầu. Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.

Tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Quan điểm, nguyên tắc của việc lấy phiếu tín nhiệm là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nhất là người được lấy phiếu tín nhiệm, người ghi phiếu tín nhiệm...

Như vậy có thể thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm là hết sức quan trọng nhằm thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình; nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nhất là người được lấy phiếu tín nhiệm, người ghi phiếu tín nhiệm. Bởi qua kết quả lấy phiếu, từng người sẽ thấy được mặt làm được, mặt chưa làm được, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục, sửa chữa. Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Vậy nên trong quá trình thực hiện phải thực chất, tránh hình thức. Để làm được điều này, như ý kiến của một chuyên gia thì phải làm chặt từ cả phía người được lấy phiếu tín nhiệm và người bỏ phiếu tín nhiệm. Những người được lấy phiếu tín nhiệm phải thấy rằng đây là thử thách, là cơ hội để kiểm tra, đánh giá sát hạch năng lực của mình. Với những người bỏ phiếu tín nhiệm cho người khác phải xác định đây là lá phiếu thể hiện tinh thần xây dựng Đảng, là trách nhiệm với Đảng, với nhân dân. Phải thể hiện thái độ khách quan, công bằng, không lợi ích cục bộ, không mang nặng yếu tố cá nhân.

Lấy phiếu tín nhiệm là thước đo quan trọng trong đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ, giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa" lại mình nên trong quá trình thực hiện phải thực sự khoa học, khách quan, công tâm, chặt chẽ. Đặc biệt, như trong phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ Khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm. Bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/thuc-chat-khong-hinh-thuc-i329456/