Thúc đẩy bán hàng từ siêu thị đến tạp hóa
Kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm đã tác động trực tiếp đến sức mua hàng hóa của người dân. Đứng trước khó khăn này, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại đã tìm các biện pháp kích cầu tiêu dùng.
Tăng tần suất khuyến mãi
Chỉ vào dòng tin nhắn trên điện thoại, chị Bùi Kim Ngọc, ngụ tại An Dương Vương (quận 5) cho hay, cách nay ít ngày UBND TPHCM đã nhắn tin đồng loạt tới nhiều thuê bao di động với nội dung triển khai chương trình “Tưng bừng mua sắm hè 2023”, hạn mức khuyến mãi lên tới 100%. “Thử dò giá tại các điểm bán lớn ở TPHCM, tôi thấy mức giá tốt, tính cạnh tranh cao. Nếu chịu khó săn hàng, dễ dàng mua được sản phẩm phù hợp”, chị Kim Ngọc nói.
Thông tin từ các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM, số lượng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm… đổ về chợ mỗi đêm dồi dào, giá ổn định. Trong số này, nhiều mặt hàng trái cây tươi như vải thiều, xoài cát, bơ… có giá khá mềm. Chẳng hạn xoài ghép có giá 5.000 đồng/kg, xoài cát chu 25.000 đồng/kg, quýt đường 18.000 đồng/kg, dưa hấu dài 9.000 đồng/kg, chôm chôm tróc 4.000 đồng/kg; heo mảnh từ 68.000-74.000 đồng/kg, nạc dăm 95.000 đồng/kg… Ghi nhận tại một số siêu thị, trung tâm thương mại… các chương trình khuyến mãi liên tục được làm mới, với tần suất dày (1-2 tuần) rải đều trong mùa hè này nhằm thu hút khách hàng. Ví dụ, hệ thống siêu thị Aeon Mall, Go!, BigC, Tops Market (thuộc Central Retail)… đồng loạt khuyến mãi giảm sâu từ 50%-70% tùy mặt hàng. Những hệ thống siêu thị này “xoay tour” ưu đãi liên tục để kết nối khách hàng gắn bó nhiều hơn với các chương trình ưu đãi. Điển hình, hệ thống Go!, BigC… đang bán bơ 034 chưa tới 21.000 đồng/kg, thanh long Tiền Giang 18.000 đồng/kg, sầu riêng hơn 60.000 đồng/kg; giày đi mưa của người lớn có giá từ 129.000-199.000 đồng/đôi; quần lửng, áo thun có giá từ 59.000-100.000 đồng/cái… So với một số mặt hàng đang bán tại các cửa hàng tạp hóa thì giá bán nói trên khá cạnh tranh, dễ tiếp cận người mua.
Theo Sở Công thương TPHCM, hiện có khoảng 7.000 chương trình khuyến mãi, trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng, diễn ra từ nay đến hết 15-9 thực sự tạo điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của khách hàng. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm… Thêm nữa, thành phố cũng thí điểm xây dựng các tour du lịch với sự tham gia từ công ty lữ hành đến khách sạn, nhà hàng, hệ thống phân phối và các đơn vị thanh toán không dùng tiền mặt theo mục tiêu cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro.
Hỗ trợ nâng cấp cửa hàng tạp hóa
Chia sẻ với PV Báo SGGP, chủ cửa hàng tiện ích Huyền Anh 1 (chung cư Hưng Ngân, đường Dương Thị Mười, quận 12) vui vẻ cho hay, mới mở thêm một cửa hàng mới tại chung cư Picity cũng trên địa bàn quận. Việc nâng cấp, mở rộng tiệm tạp hóa thành cửa hàng tiện ích góp phần tăng doanh thu, giải quyết công ăn việc làm của các thành viên trong gia đình. Cửa hàng Huyền Anh 1 bán đồ ăn phong phú, hàng hóa đa dạng, giá cả phải chăng nên khách mua nhiều. Riêng dịp cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua, sức mua tăng từ 15%-25% so với trước khi nâng cấp cửa hàng”.
Huyền Anh 1 và 2 chính là một trong số 500 cửa hàng trên toàn quốc được hệ thống MM Mega Market hỗ trợ thiết kế mặt bằng, hàng hóa… thuộc dự án “Giá tốt”. Đây là mô hình hợp tác giữa MM Mega Market với nhà đầu tư cá nhân có mong muốn sở hữu những cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, hoặc các chủ cửa hàng tạp hóa truyền thống muốn chuyển đổi sang mô hình bán lẻ hiện đại. Đối tác của MM Mega Market sẽ nhận được gói hỗ trợ khoảng 70 triệu đồng, gồm xây dựng cửa hàng, thiết kế hoàn chỉnh theo mô hình chuyên nghiệp, tư vấn kế hoạch kinh doanh phù hợp với năng lực tài chính… Thêm nữa, đối tác cũng được hỗ trợ công nợ mua hàng hóa lên đến 500 triệu đồng, thời hạn thanh toán 15 ngày với nhiều hình thức thanh toán khác nhau...
Ông Bruno Jousselin, Tổng Giám đốc Điều hành của MM Mega Market nhận định, mô hình “Giá tốt” giúp cộng đồng doanh nghiệp, nhà sản xuất bán hàng tốt hơn, hàng trăm tiệm tạp hóa kinh doanh hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành bán lẻ Việt Nam. Hiện mô hình “Giá tốt” đang có mặt ở các tỉnh thành lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Biên Hòa, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá… và dự kiến đến năm 2026 sẽ có khoảng 10.000 cửa hàng.
Trước đó, hệ thống Saigon Co.op cũng có hàng loạt cửa hàng tiện ích dọc đường Đông Bắc, Dương Thị Mười (quận 12), Quang Trung (quận Gò Vấp), trải dài ở các huyện như Nhà Bè, Cần Giờ… nhưng nay nhiều trong số này đã đóng cửa. Thông tin mới nhất từ Saigon Co.op cho biết, đơn vị này đang hoàn chỉnh mô hình hợp tác với những người dân có nhu cầu chuyển đổi kinh doanh, mong muốn sở hữu cửa hàng tiện ích, siêu thị mini… Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhận định, việc các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… nỗ lực bắt tay nhau tiêu thụ sản phẩm nhà nông, trợ giá cho người tiêu dùng; một số chọn người dân làm đối tác kinh doanh đã góp phần đáng kể vào việc kích cầu tiêu dùng hiện nay. Đó cũng là chiến lược bền vững, song hành cùng phát triển, mở rộng thị trường, giữ chân khách hàng của các nhà bán lẻ hiện đại.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuc-day-ban-hang-tu-sieu-thi-den-tap-hoa-post695714.html