Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số

PGS.TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại vừa có chuyến công tác tại Phú Yên để tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Dự án 8 cho cán bộ hội phụ nữ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông xung quanh công tác tuyên truyền, vận động giải quyết vấn đề bình đẳng giới đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: THÁI HÀ

Truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: THÁI HÀ

* Thưa ông, hiện nay, phụ nữ, trẻ em gái là người đồng bào DTTS có những rào cản nào trong tiếp cận, thụ hưởng thành quả phát triển của xã hội?

- Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chương trình, chính sách, hỗ trợ phát triển KT-XH cho đồng bào DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện. Tuy nhiên, việc tiếp cận và tham gia vào hoạt động kinh tế, các dịch vụ an sinh xã hội đối với phụ nữ DTTS còn hạn chế bởi các rào cản.

Các rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán lỗi thời và rào cản về tri thức khiến cho phụ nữ và trẻ em gái người đồng bào DTTS kết hôn sớm, thường bỏ dở việc học hành, hạn chế tiếp thu những tri thức tiên tiến, hiện đại, ảnh hưởng đến phát triển nhân cách, tài năng. Nhiều em phải lao động từ sớm để trang trải cuộc sống gia đình, gây khó khăn trong bảo đảm các quyền của trẻ em. Ví dụ như tập quán, quan niệm con gái người Mông học hết cấp 1, cấp 2 nghỉ học lấy chồng gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với quá trình phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, rào cản về ngôn ngữ, tri thức khiến phụ nữ DTTS thường ít thông tin về các quyền được tham gia và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương, ít tham gia các tổ chức xã hội, đoàn thể. Do vậy, đa số phụ nữ DTTS chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân; chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập.

Với người DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng, vẫn còn những khoảng cách trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả phát triển. Số liệu thống kê và kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho thấy phụ nữ DTTS là nhóm có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau do tính dễ bị tổn thương kép với đặc thù vừa là phụ nữ, vừa là người DTTS, trong khi đa phần chính sách chưa coi phụ nữ DTTS là một nguồn lực quan trọng của sự phát triển.

PGS.TS Lê Ngọc Thắng

PGS.TS Lê Ngọc Thắng

* Bình đẳng giới, trong đó có bình đẳng giới cho phụ nữ đồng bào DTTS là một trong những nội dung quan trọng để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Để thực hiện mục tiêu này, Dự án 8 đã được triển khai, vậy theo ông, dự án này có ý nghĩa như thế nào trong thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ đồng bào DTTS và miền núi?

- Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Với mục tiêu tổng quát là nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi, dự án như một luồng gió mới với nhiều hoạt động tích cực được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi cuộc sống của phụ nữ là người đồng bào DTTS, phụ nữ sinh sống ở nơi có điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn.

Có một thực tế, chúng ta có Công ước quốc tế về bình đẳng giới; Hiến pháp quy định về bình đẳng giới; trước năm 2021, Ủy ban Dân tộc cho biết có 181 chính sách về bình đẳng giới, tuy nhiên nếp sống gia đình, cộng đồng chưa tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận dịch vụ công từ y tế, văn hóa đến giáo dục… Việc thực thi chính sách bình đẳng giới do nhiều cơ quan thực hiện, đầu tư không đến nơi đến chốn, triển khai manh mún, hiệu quả không cao.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, lần đầu tiên vấn đề bình đẳng giới cho phụ nữ, trẻ em là người đồng bào DTTS được ghi thẳng vào chương trình mục tiêu quốc gia, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, có một sự đầu tư bài bản cho người đồng bào DTTS. Chương trình tập trung thực hiện trong 10 năm (2021-2030) với 10 dự án thành phần, trong đó Dự án 8 mang ý nghĩa nhân văn khi liên quan đến bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em là người đồng bào DTTS.

Dự án 8 là căn cứ rất quan trọng để hội phụ nữ, các cấp, các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới, cải tạo phong tục tập quán, tác động trực tiếp tới tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống của người dân và cộng đồng dân cư, từ đó củng cố và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, nâng cao những thành tựu văn hóa hiện có và từng bước xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh.

* Để thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi, vấn đề cốt lõi vẫn là truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân. Vậy, để nâng cao hiệu quả truyền thông cho cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS và miền núi, cần phải có giải pháp tuyên truyền, vận động như thế nào, thưa ông?

- Phụ nữ thuộc cộng đồng các DTTS nước ta là đối tượng hội viên có những đặc thù và gắn bó mật thiết với bản sắc văn hóa dân tộc, trình độ phát triển KT-XH, tâm lý về những cấp độ khác nhau trong tiếp cận các dịch vụ công để hội nhập và phát triển.

Để tuyên truyền hiệu quả, nội dung truyền thông cần đơn giản, dễ hiểu. Đặc biệt, các cấp hội và chính quyền địa phương cần đầu tư xây dựng mô hình phụ nữ DTTS tiếp cận với các dich vụ công về văn hóa, kinh tế, giáo dục, y tế, tham chính… Hoạt động của các mô hình trên nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, ban ngành về bình đẳng giới và của chính phụ nữ DTTS đối với sự phát triển của gia đình, cộng đồng, địa phương và của chính giới mình.

Bên cạnh đó, việc vận động tuyên truyền các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các phong trào, chương trình của tổ chức hội LHPN các cấp cần sự sáng tạo trong vận dụng các kiến thức, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền… sao cho phù hợp với các nhóm đối tượng phụ nữ các DTTS ở địa phương. Tổ chức hội LHPN, các địa phương có người đồng bào DTTS sinh sống cần có tầm nhìn và đầu tư xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ở địa phương là người DTTS am hiểu phong tục tập quán, biết ngôn ngữ các DTTS, đặc điểm tâm lý, văn hóa của cộng đồng các DTTS và phụ nữ các DTTS nói riêng. Ngoài ra, địa phương cần phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ cán bộ thôn, buôn, nhất là đội ngũ già làng, trưởng buôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tín ngưỡng… trong cộng đồng các DTTS trong truyền thông về giới nhằm nâng cao nhận thức, hiệu quả hoạt động thực hiện bình đằng giới ở vùng đồng bào DTTS…

* Xin cảm ơn ông!

Hội LHPN Việt Nam đang xúc tiến triển khai Dự án 8 rất quyết liệt, qua đó nhận thức về bình đẳng giới của các cấp hội phụ nữ và các cấp, ngành được nâng lên. Nhưng theo góc nhìn của tôi, vấn đề bình đẳng giới không chỉ riêng của phụ nữ, nên các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa.

THÁI HÀ (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/321030/thuc-day-binh-dang-gioi-cho-phu-nu-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html