Thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý
Mặc dù đã có một khung pháp lý khá đầy đủ để bảo đảm quyền của phụ nữ trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực tham chính. Tuy nhiên, để hướng tới bình đẳng giới thực chất, đòi hỏi người đứng đầu các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải cùng nhau hành động.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong tham gia các chính sách về các lĩnh vực khác nhau. Thông qua đó, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Qua kết quả nữ trúng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 như sau: Đại biểu Quốc hội: Nữ 3/8 đại biểu, chiếm tỷ lệ 37,5%; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Nữ 17/61 đại biểu, chiếm tỷ lệ 27,87 %; Hội đồng nhân dân cấp huyện, thành, thị: Nữ có 114/365 đại biểu, chiếm tỷ lệ 31,23%; Hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn: Nữ có 1.300/4.468 đại biểu, chiếm tỷ lệ 29,10%.
Một số giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý:
Một là, cấp ủy, người đứng đầu cần quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng; chỉ đạo việc cụ thể hóa thành các quy định cụ thể tại cơ quan, đơn vị mình. Đặc biệt, cần có quyết tâm chính trị cao để bảo đảm việc thực hiện bình đẳng giới thực chất trong lãnh đạo, quản lý. Cần phải công tâm, khách quan, chủ động rà soát, phát hiện nguồn cán bộ nữ, tham mưu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị bố trí, sử dụng, phát huy năng lực, sở trường, tạo điều kiện để cán bộ nữ khẳng định bản thân, từ đó tập thể mới ghi nhận.
Hai là, chú trọng khảo sát, đánh giá về thực trạng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong toàn hệ thống chính trị; đề ra hệ thống các chỉ tiêu cụ thể đối với từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực và trong các khâu của công tác cán bộ, bảo đảm thống nhất, khoa học, phù hợp với thực tiễn và bối cảnh tình hình mới.
Ba là, các cơ quan đơn vị phải nêu gương trong việc triển khai thực hiện tốt về công tác cán bộ nữ. Cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, kịp thời đánh giá, khen thưởng những nơi làm tốt và có chế tài cụ thể đối với những nơi chưa nghiêm túc thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Bốn là, cơ quan làm công tác tổ chức - cán bộ các cấp cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu về công tác cán bộ, nhất là cán bộ nữ. Ngoài việc nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ, cần tập huấn thêm kiến thức về bình đẳng giới cho những cán bộ làm công tác tham mưu về công tác cán bộ.
Có thể nói, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo ra một bước chuyển biến mới cả về lượng và chất trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi quyền bình đẳng nam nữ trên thực tế. Để tăng cường nữ giới trong lĩnh vực chính trị, đòi hỏi chúng ta cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền hơn nữa nhằm nâng cao trình độ nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận vai trò, vị trí của phụ nữ; sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể và mỗi cá nhân trong việc nâng cao vị thế, vai trò người phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị.