Thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành xuất bản quốc tế
Những nỗ lực tạo ra môi trường hài hòa về giới trong ngành xuất bản là bước tiến ban đầu cho hành trình đa dạng hóa về sắc tộc, tôn giáo, thế hệ…
Theo đánh giá của IPA (Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế), phụ nữ dần chiếm ưu thế rõ ràng hơn trong lực lượng xuất bản tại các thị trường trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tỉ lệ nam giới nắm giữ các vị trí cao cấp vẫn còn khá lớn ngay cả khi các công ty đã thực hiện cam kết tăng cường sự đa dạng trong đội ngũ nhân sự.
Trong suốt 125 năm IPA được thành lập, chỉ có hai người phụ nữ nắm giữ vị trí chủ tịch đó là Bodour Al Qasimi (đến từ Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) và Ana-Maria Cabanellas (đến từ Argentina), người có kinh nghiệm lãnh đạo tổ chức từ năm 2004 đến 2008.
Ban lãnh đạo IPA đã quyết định trong năm 2023, bà Karine Pansa (đến từ Brazil) sẽ trở thành người điều hành của Hiệp hội. Phó chủ tịch Hiệp hội cũng là một phụ nữ, Gvantsa Jobava của Cộng hòa Georgia. Đây là quyết định bổ nhiệm quan trọng cho thấy IPA đang mở rộng cánh cửa chào đón những người phụ nữ vào trong ngành xuất bản, đặc biệt đối với các vị trí chủ chốt.
Vào hồi cuối tháng 11, hội thảo “East and West: Women in the World” bàn về chủ đề phái nữ trong ngành xuất bản đã được tổ chức tại Guadalajara (Mexico). Tham dự hội thảo có Chủ tịch IPA, Bodour Al Qasimi, tác giả Ana María Olabuenaga và Trưởng ban tổ chức hội sách quốc tế Marisol Shulz. Bà Al Qasimi nhấn mạnh rằng: “Phụ nữ và nam giới cần được bình đẳng về cơ hội”. Những nỗ lực tạo ra môi trường hài hòa về giới trong lực lượng ngành xuất bản là bước tiến ban đầu cho hành trình đa dạng hóa về sắc tộc, tôn giáo, thế hệ…
Năm 2019, bà Al Qasimi đã thành lập mạng lưới quốc tế dành cho phụ nữ trong lĩnh vực xuất bản. Điều này cho thấy ban lãnh đạo IPA đang nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc đa dạng giới. Hướng phát triển của mạng lưới này được bà Al Qasimi nêu ra là: “Bình đẳng không đơn giản chỉ là phân phát cơ hội”.
Tại hội nghị Estoril (được tổ chức tại Bồ Đào Nha), bà Al Qasimi đã kể về câu chuyện nam thanh niên da trắng đổi bút danh của mình thành một người phụ nữ da màu để các bài thơ của anh ta có thể được xuất bản. Điều này cho thấy sự nhạy cảm và định kiến về giới vẫn còn rất rõ rệt. Không phải chỉ phụ nữ mới có thể làm thơ hay.
“Định kiến gây tổn hại cho xã hội, khiến cả các mối quan hệ trở nên xa cách và đe dọa sự gắn kết của chúng ta. Quan trọng hơn, định kiến đã tước đi cơ hội của nhiều người, cơ hội để phát huy tối đa tiềm năng con người họ và giấc mơ vươn đến hạnh phúc”, bà Al Qasimi chia sẻ. Những lời phát biểu của bà về bình đẳng giới trong ngành xuất bản trên thế giới còn được làm rõ hơn trong cuốn Of Boys and Men: Why the Modern Male am Struggle, Why It Matters, and What To Do About It của Richard V. Reeves.
Tác giả Reeves đã đã liệt kê vô số cách mà nam giới bị tụt lại phía sau trong sự nghiệp, học vấn, cuộc sống gia đình, lòng tự trọng và xã hội. Họ tụt lại phía sau phụ nữ và trẻ em gái trong một số tiêu chí ngày càng tăng. Cuốn sách của Reeves là lời kêu gọi nâng cao nhận thức và suy ngẫm ở quy mô quốc tế.
Reeves viết: “Tạo điều kiện cho nam giới không phải từ bỏ lý tưởng bình đẳng giới. Trên thực tế, đó là một phần mở rộng tự nhiên của nó. Vấn đề với chủ nghĩa nữ quyền, với tư cách là một phong trào giải phóng. Cuộc sống của phụ nữ đã được đúc lại. Cuộc sống của đàn ông thì không”.
Theo bà Al Qasimi, bình đẳng cơ hội là chìa khóa mở ra sự phát triển cho ngành xuất bản quốc tế. Trong thời đại hiện nay, để thúc đẩy các ý tưởng luôn mới mẻ và đạt hiệu quả, sự đa dạng giới là điều cần thiết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nganh-xuat-ban-quoc-te-rong-cua-chao-don-phai-nu-post1387222.html