Thúc đẩy các cơ chế hợp tác tiểu vùng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác và phối hợp giữa 5 nước láng giềng Mê Kông trong nỗ lực chung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng nền kinh tế cạnh tranh, năng động và bền vững

Ngày 9-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 9 (ACMECS 9), Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 10 (CLMV 10) và Hội nghị Cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 11 (CLV 11) được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tại ACMECS 9 cùng sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Tổng Thư ký ASEAN, với chủ đề "Quan hệ đối tác vì kết nối và phục hồi", các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mê Kông, quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu.

Tăng cường nỗ lực vừa phòng chống, ứng phó với đại dịch Covid-19 vừa tái thiết kinh tế, bao gồm phục hồi chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại, đầu tư, công nghiệp và du lịch giữa các nước thành viên ACMECS.

Phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, thương mại điện tử và phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân… trong việc thực hiện 3 trụ cột hợp tác của Kế hoạch tổng thể ACMECS và sớm đưa Quỹ Phát triển ACMECS đi vào hoạt động nhằm triển khai hiệu quả các dự án ưu tiên; bảo đảm tính kết nối và cộng hưởng giữa hợp tác ACMECS với ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng liên quan, đồng thời xem xét cải tiến cơ cấu, phương thức hoạt động của hợp tác ACMECS theo hướng tăng cường hiệu quả và phát huy tối đa nguồn lực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự 3 hội nghị theo hình thức trực tuyến trong ngày 9-12 Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự 3 hội nghị theo hình thức trực tuyến trong ngày 9-12 Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác và phối hợp giữa 5 nước láng giềng Mê Kông trong nỗ lực chung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng nền kinh tế cạnh tranh, năng động và bền vững, đồng thời chỉ ra một số định hướng nhằm nâng cao hiệu quả và vai trò của ACMECS trong giai đoạn tới. Nhiệm vụ quan trọng là vượt qua đại dịch Covid-19, từng bước phục hồi kinh tế và phát huy vai trò chiến lược nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Tại hội nghị CLMV lần thứ 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nguyên thủ/người đứng đầu Chính phủ các nước Campuchia, Lào và Myanmar đã thông qua 3 văn kiện gồm Tuyên bố chung của Hội nghị, tài liệu "Khung khổ phát triển CLMV" và danh sách 16 dự án ưu tiên của hợp tác. Trong đó, "Khung khổ phát triển CLMV" là tài liệu mang tính định hướng nhằm xây dựng khu vực CLMV thành trung tâm kinh doanh quốc tế và hướng đến mục tiêu trở thành các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao trong năm 2030. Lãnh đạo 4 nước cũng nhất trí tăng cường kết nối trên nhiều mặt vì sự phát triển bền vững, bao trùm của khu vực CLMV về cơ sở hạ tầng, thể chế và kinh tế, con người.

Tại hội nghị CLV 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định quyết tâm xây dựng khu vực tam giác phát triển CLV hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng thông qua tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả của hợp tác, thúc đẩy tiến trình hội nhập, tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN khác để hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Ba Thủ tướng đã thông qua Tuyên bố chung về hợp tác khu vực tam giác phát triển CLV.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thuc-day-cac-co-che-hop-tac-tieu-vung-20201209212434396.htm