Thúc đẩy các không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng giới

Thông qua các hoạt động thể thao không cạnh tranh, thúc đẩy bình đẳng giới, những người tham gia cùng kêu gọi xóa bỏ các định kiến giới để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, tham gia các hoạt động thể thao một cách bình đẳng và lành mạnh.

Theo thông tin từ Tổ chức Plan International Việt Nam, Đại sứ Tổ chức Plan International Đức – ông Erik Jaeger vừa đến thăm Hà Nội và tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại Trường đại học Giao thông Vận tải và Trường THCS Phú Châu tại Ba Vì.

Thông qua các hoạt động thể thao không cạnh tranh, thúc đẩy bình đẳng giới, ông Erik Jaeger đã cùng Ban tham vấn Thanh niên của Tổ chức Plan International Việt Nam, các sinh viên, học sinh kêu gọi xóa bỏ các định kiến giới để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và tham gia các hoạt động thể thao một cách bình đẳng, lành mạnh.

Là một huấn luyện viên thể thao chuyên nghiệp tại Đức, ông Erik Jaeger luôn khuyến khích và kêu gọi mọi người tập luyện thể thao với phương châm thể thao dành cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính.

Ngày 1.6, ông Erik Jaeger đến thăm trường THCS Phú Châu tại Ba Vì và tham gia các hoạt động thể thao không cạnh tranh với các em học sinh nhà trường trong khuôn khổ dự án “Không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng trong các trường học tại Hà Nội”.

Có rất nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ các định kiến giới - Ảnh: BTC

Có rất nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ các định kiến giới - Ảnh: BTC

Theo thầy Đỗ Văn Khải - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Châu, không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng là một dự án rất nhân văn, có ý nghĩa to lớn, giúp cho học sinh nữ, học sinh nam trang bị các kỹ năng sống, tham gia luyện tập thể thao một cách bình đẳng, hướng tới giáo dục toàn diện.

Ngoài ra, thầy Khải cũng chia sẻ: “Với những giá trị đã mang lại, dự án không chỉ được sự tham gia tích cực của giáo viên, học sinh, mà còn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cha mẹ học sinh và cộng đồng. Chúng tôi mong muốn dự án được duy trì tại các trường của huyện Ba Vì và mở rộng tới tất cả các trường học trên địa bàn Hà Nội, cũng như trên cả nước.”

Dự án “Không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng trong các trường học tại Hà Nội” được thực hiện trong hơn 3 năm (từ năm 2019 – 2022) với mục tiêu thúc đẩy các không gian thể thao dễ tiếp cận, an toàn, thân thiện và bình đẳng giới trong trường học. Dự án này nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho các em gái tham gia như các em trai, và thay đổi quan niệm xã hội về khả năng của các em gái trong việc tham gia thể thao, phát triển ngang bằng như các em trai.

Theo tổ chức Plan International Việt Nam, Báo cáo đánh giá độc lập chỉ ra rằng dự án đã đạt được 3/3 mục tiêu đặt ra. Dự án đã thành công trong việc tăng cường sự tham gia tích cực của trẻ em gái, trẻ em trai vào luyện tập thể dục thể thao, thúc đẩy an toàn, bình đẳng.

Trong đó, tỷ lệ học sinh nữ, học sinh yếu thế tham gia luyện tập bóng đá, các môn thể thao đã tăng đáng kể. Đặc biệt, 85% các em gái cảm thấy an toàn, thoải mái chơi các môn thể thao yêu thích mà không bị kỳ thị bởi các định kiến giới.

Dự án cũng thành công trong việc thay đổi quan niệm của cha mẹ học sinh về khả năng, sự tham gia của trẻ em gái trong các hoạt động thể thao. 96% học sinh nữ cho rằng được cha mẹ ủng hộ khi tham gia các hoạt động thể thao.

Hơn nữa, nhận thấy lợi ích của việc thực hiện “Không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng”, Phòng GD-ĐT Ba Vì và Hà Đông đã mở rộng ra 36 Trường THCS trên địa bàn hai quận, huyện. Với những kết quả đạt được, Bộ GD-ĐT đã phối hợp để xây dựng Hướng dẫn Quốc gia về tổ chức câu lạc bộ thể thao trong trường THCS để áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Hội thảo được tổ chức tại Trường đại học Giao thông Vận tải ở Hà Nội - Ảnh: BTC

Hội thảo được tổ chức tại Trường đại học Giao thông Vận tải ở Hà Nội - Ảnh: BTC

Đến nay, Dự án đã đạt được các kết quả cụ thể, trong đó phải kể tới 20 không gian thể thao dễ tiếp cận, an toàn, thân thiện và bình đẳng được cải thiện cho tất cả học sinh tham gia; 20 câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi trong thể thao với 2.432 thành viên (1.029 nữ), luyện tập bóng đá và học các kỹ năng sống 2 lần mỗi tuần.

1.289 giáo viên (1.078 nữ) được tập huấn các kiến thức, kỹ năng để thúc đẩy không gian thể thao dễ tiếp cận, an toàn, thân thiện và bình đẳng cho tất cả học sinh, kỹ năng để tiếp nhận, tham vấn và hỗ trợ các trường hợp bạo lực.

57 ngày hội thể thao vui và 167 sáng kiến truyền thông cấp trường được tổ chức tại 20 trường với sự tham gia của 30.969 trẻ em gái và trẻ em trai. 2 ngày hội thể thao vui cấp quận được tổ chức với sự tham gia của 56 Trường THCS trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Ba Vì.

Đặc biệt, 35.169 cha mẹ được nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới để tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của trẻ em gái và các học sinh yếu thế…

Trước đó, ông Erik Jaeger đã tham gia Hội thảo “Công bố Quy trình Tiếp nhận, xử lý và hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục và bạo lực giới” và hội trại “Động lực của sự thay đổi” do Plan International, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng - LIGHT và Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường đại học Giao thông Vận tải (COC GTVT) tổ chức tại trường.

Theo ông Trần Minh Quang - Điều phối dự án Thành phố An toàn và thân thiện với trẻ em gái, Tổ chức Plan International Việt Nam, Dự án này được thực hiện tại Hà Nội từ năm 2014 với mục tiêu xây dựng thành phố an toàn, có trách nhiệm và thân thiện hơn với tất cả các trẻ em gái. Qua 5 năm thực hiện, Dự án đã tiếp cận được tới 90.000 trẻ vị thành niên hưởng lợi trực tiếp và 500.000 người hưởng lợi gián tiếp.

Dự án đã thí điểm thành công các can thiệp tại huyện Đông Anh và với hệ thống xe buýt tại TP.Hà Nội. Mô hình Thành phố an toàn và Thân thiện với trẻ em gái đã được nhân rộng ra 6 tỉnh thành trên cả nước để góp phần tăng cường an toàn cho hàng triệu trẻ em gái ở nơi công cộng.

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thuc-day-cac-khong-gian-the-thao-an-toan-than-thien-va-binh-dang-gioi-199614.html