Thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030

Ngày 20-5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ký kết Bản ghi nhớ giữa hai cơ quan về hợp tác thúc đẩy thực thi các công ước của ILO tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Ảnh: Molisa.

Ảnh: Molisa.

Ngày 20-5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ký kết Bản ghi nhớ giữa hai cơ quan về hợp tác thúc đẩy thực thi các công ước của ILO tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Kể từ khi gia nhập ILO năm 1992, Việt Nam đã phê chuẩn 25 Công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai việc thực thi các công ước, trong đó bao gồm việc nội luật hóa các quy định của công ước trong hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019.

Nhằm thúc đẩy việc áp dụng và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, đồng thời nâng cao quan hệ hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy việc nghiên cứu gia nhập và áp dụng phù hợp các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) phối hợp Văn phòng ILO tại Việt Nam xây dựng Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Văn bản thể hiện cam kết chung và tạo khuôn khổ hợp tác giữa Bộ LĐ-TB và XH và Văn phòng ILO tại Việt Nam trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung khẳng định, Bản ghi nhớ giữa Bộ LĐ-TB và XH và ILO về hợp tác thúc đẩy thực thi các công ước của ILO tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030 là sự kiện quan trọng, đánh dấu một giai đoạn hợp tác mới giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có sự thay đổi về việc làm, quan hệ lao động, các tổ chức đại diện người lao động….

Theo đó, hai bên đồng ý hợp tác nhằm thúc đẩy việc gia nhập và thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam thông qua một khuôn khổ hợp tác giữa Bộ LĐ-TB và XH và ILO Việt Nam, và bảo đảm sự tham gia của đại diện người lao động và người sử dụng lao động trong suốt quá trình này.

Nội dung hợp tác bao gồm nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn lao động quốc tế, tăng cường nội luật hóa, thực thi các công ước của ILO mà Việt Nam đã gia nhập, thúc đẩy năng lực quốc gia thực hiện và báo cáo việc thực thi các công ước đã phê chuẩn, theo dõi, đánh giá việc thực thi, và đề xuất đưa ra các khuyến nghị gia nhập thêm các công ước khác.

“Việc ký kết Bản ghi nhớ là một tiền đề quan trọng đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa Bộ LĐ-TB và XH và Văn phòng ILO tại Việt Nam để thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động và xã hội, đồng thời khẳng định việc hội nhập ngày càng sâu rộng, thực chất của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến lao động,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.

Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, TS Chang-Hee Lee, cho rằng, việc ký kết Bản ghi nhớ thể hiện cam kết của Việt Nam nhằm hiện đại hóa pháp luật lao động và xã hội theo hướng phù hợp với các nguyên tắc phổ quát được đề cập trong các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO.

“Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia dẫn đầu trong số các nước ASEAN trong việc thúc đẩy tiêu chuẩn lao động quốc tế. Tôi tin rằng điều này sẽ giúp nâng tầm xã hội - một yếu tố cần thiết để Việt Nam có thể hướng tới trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao,” ông cho hay.

Kể từ năm 1919, ILO đã và đang duy trì và phát triển một hệ thống các tiêu chuẩn lao động quốc tế nhằm đặt ra các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay, các tiêu chuẩn lao động quốc tế trở thành một cấu phần quan trọng của khung khổ quốc tế nhằm bảo đảm rằng tự do thương mại đi đôi với việc bảo vệ các quyền lao động cơ bản được đề cập tới trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Các tiêu chuẩn lao động quốc tế được xây dựng bởi các đối tác ba bên của ILO, bao gồm chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động. Tiêu chuẩn lao động quốc tế tồn tại theo hình thức Công ước (hoặc Nghị định thư) - là những hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc về pháp lý khi được quốc gia thành viên phê chuẩn, hoặc dưới dạng Khuyến nghị - là những hướng dẫn không mang tính ràng buộc.

Trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội cho TS Chang - Hee Lee (Ảnh: Molisa).

Trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội cho TS Chang - Hee Lee (Ảnh: Molisa).

Nhân dịp này, Bộ LĐ-TB và XH trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội cho TS Chang - Hee Lee.

Là Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam từ tháng 9 năm 2015, ông Chang - Hee Lee đã có những đóng góp quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và ILO, tạo ra những thay đổi tích cực trong lĩnh vực lao động, việc làm của Việt Nam. Ông đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình vận động Liên hiệp châu Âu (EU) phê chuẩn Hiệp định EVFTA, sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019 và tăng cường năng lực quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB và XH, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong ILO. Trước đó, từ năm 2000, ông đã có quan hệ hợp tác mật thiết với các đơn vị của Bộ LĐ-TB và XH trong vai trò chuyên gia về lao động, tiền lương.

Với vai trò là người đại diện cho ILO, đối tác lớn nhất của Bộ LĐ-TB và XH tại Việt Nam, ông Chang -Hee Lee đã thực hiện bài bản các chương trình, hợp tác ba bên, các dự án được tăng cường triển khai tại địa phương; quan hệ giữa ILO và các cơ quan Chính phủ, các Ban Đảng và Quốc hội được mở rộng và thúc đẩy đáng kể. Ông là một trong các thành viên chủ chốt của nhóm Liên hợp quốc tham gia xây dựng chương trình hợp tác khung thực hiện kế hoạch Một Liên hợp quốc tại Việt Nam.

* Đến thời điểm này, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, bao gồm 7/8 công ước cơ bản liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Theo Bản ghi nhớ, Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu việc gia nhập thêm các công ước của ILO phù hợp với yêu cầu, điều kiện và thực tiễn kinh tế xã hội của đất nước.

XUÂN ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/thuc-day-cac-tieu-chuan-lao-dong-quoc-te-tai-viet-nam-giai-doan-2021-2030-646923/