Thúc đẩy cam kết vì một nguồn năng lượng xanh
Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4 (P4G 2025) diễn ra tại Hà Nội đã khép lại thành công, thống nhất cao thông điệp lan tỏa về 'chung tay hành động vì một tương lai xanh, bao trùm và bền vững', trong đó có nhấn mạnh tới thúc đẩy cam kết vì một nguồn năng lượng xanh.

Mô hình sản xuất xanh, thân thiện môi trường của Việt Nam trưng bày trong khuôn khổ Hội nghị P4G 2025. (Ảnh: HNV)
Các chuyên gia quốc tế và trong nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 đều nhất trí cao rằng, chuyển dịch năng lượng là tiến trình lớn và lâu dài, đòi hỏi các bên phải cùng nhau gia tăng hợp tác, góp phần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng một cách hiệu quả và bền vững, trong đó có Việt Nam.
Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả
Ninh Thuận là tỉnh có nhiều nắng và nhiều gió, khô hạn quanh năm và rất khó khăn trong việc phát triển kinh tế; chủ yếu là đồi núi, đồng bằng ven biển chiếm 22,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; vì vậy phát triển kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước và nội vùng.
Tuy nhiên, với quyết tâm đổi mới, đột phá để biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển dựa trên sự khác biệt và lợi thế so sánh, dựa trên điều kiện tự nhiên, sự khác biệt và lợi thế so sánh nêu trên, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lập các đề án, quy hoạch và đã trình Bộ Công thương xem xét, tính toán, đánh giá đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, với tổng nguồn tiềm năng gần 49.000MW, trong đó: Đề án Quy hoạch phát triển điện gió đất liền khoảng 2.000MW; điện gió ven biển khoảng 4.380MW; điện gió ngoài khơi khoảng 21.000MW; điện mặt trời khoảng 8.448MW; điện khí LNG 6.000MW; thủy điện tích năng 7.000MW; Điện mặt trời mái nhà hơn 149MW.
Trao đổi tại phiên thảo luận “các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững” do Bộ Công thương chủ trì phối hợp các đối tác tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 năm 2025, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận khẳng định, nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, cùng với ô nhiễm môi trường do quá trình hoạt động của các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp nguồn điện sạch để phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, tạo giá trị sản xuất mới cũng như góp phần thực hiện cam kết giảm lượng phát khí thải nhà kính của Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường.
“Ninh Thuận đã và đang có những hướng đi mới, chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội mà một trong những đột phá là xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, với định hướng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội” - Phó Chủ tịch Trịnh Minh Hoàng nói.
Ninh Thuận đã và đang có những hướng đi mới, chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội mà một trong những đột phá là xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, với định hướng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng
Chia sẻ về một trong các mô hình năng lượng xanh hiệu quả, ông Lê Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, trong bối cảnh những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và nhu cầu cấp thiết về phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm tương lai bền vững.
“Là một doanh nghiệp chủ chốt trong ngành năng lượng quốc gia, Petrovietnam nhận thức rõ rằng chuyển đổi năng lượng vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để đổi mới, nâng cao hiệu quả và thực hiện các cam kết về môi trường”, Phó Chủ tịch Petrovietnam Lê Mạnh Cường nói.
Cũng theo ông Lê Mạnh Cường, trong những năm gần đây, Tập đoàn đã vận hành một nền tảng quản lý dữ liệu tập trung và một hệ thống giám sát sản xuất theo thời gian thực. Các ứng dụng ban đầu của AI trong bảo trì, dự đoán đã cho phép các hoạt động linh hoạt và hiệu quả hơn. Mô hình kinh tế tuần hoàn đã được thúc đẩy, chẳng hạn như tái sử dụng khí đồng hành, thu hồi nhiệt thải, xử lý và tái sử dụng nước sản xuất.

Hệ thống điện gió tại Bạc Liêu. (Ảnh: HNV)
Tập đoàn cũng đã thí điểm các dự án nghiên cứu về năng lượng gió ngoài khơi, hydro xanh, amoniac xanh và thu giữ, sử dụng, lưu trữ carbon (CCUS) - một sự chuẩn bị quan trọng cho chiến lược giảm phát thải dài hạn của tập đoàn. Đáng chú ý, Tập đoàn đã chủ động xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi năng lượng, tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững, an ninh năng lượng và phát thải ròng bằng 0 vào chiến lược phát triển của mình.
Kể từ ngày 9/4/2025, Petrovietnam chính thức đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng quốc gia Việt Nam. Sự thay đổi này không chỉ là sự điều chỉnh tên mà còn phản ánh cam kết mạnh mẽ của Tập đoàn trong việc mở rộng vai trò của mình-từ một tập đoàn dầu khí truyền thống thành một tập đoàn kinh tế cốt lõi dẫn đầu quá trình chuyển đổi năng lượng toàn diện.
Khẳng định cam kết mạnh mẽ từ phía tập đoàn tại sự kiện, ông Lê Mạnh Cường nhấn mạnh, tập đoàn đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư hiệu quả, xanh hơn và sạch hơn vào năng lượng truyền thống; thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng mới như hydro xanh, LNG-to-power, lưu trữ năng lượng và số hóa hệ thống; thúc đẩy đổi mới nội bộ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đón đầu xu hướng công nghệ toàn cầu.

Các đối tác quốc tế tham gia trưng bày các công nghệ xanh, sạch tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 năm 2025. (Ảnh: HNV)
Góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng hiệu quả hơn, thực chất hơn và bền vững hơn
Cũng dịp này, bà Armida Salsiah Alisjahbana, Tổng Thư ký điều hành của Ủy ban kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP) đã bày tỏ cảm ơn trước sáng kiến về giải pháp sáng tạo thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả và bền vững của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 năm 2025.
Theo bà Armida Salsiah Alisjahbana, hiện nay, dù có nhiều tiến bộ trong hành trình ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng vẫn chưa đủ, thế giới vẫn phải đối mặt với khó khăn, thách thức. Đó là, lượng phát thải năng lượng lớn, đẩy nhiệt độ trái đất năm 2024 tăng hơn 1,5 độ so với trước đây, năng lượng hóa thạch vẫn là chính còn năng lượng tái tạo chưa nhiều người tiếp cận được.
“Tuy nhiên, có dấu hiệu lạc quan khi các nước P4G, các nước châu Á-Thái Bình Dương, đáng chú ý như Việt Nam đang không ngừng đẩy mạnh quy mô năng lượng tái tạo với các nguồn điện gió, mặt trời chiếm 25% quy mô sản xuất, thể hiện nỗ lực và tầm nhìn trong phát triển, bảo vệ môi trường, giúp quá trình tiêu thụ điện năng hiệu quả hơn, đồng thời giúp Chính phủ tìm được công nghệ cũng như vạch ra chiến lược để đạt mục tiêu phát triển”, Tổng Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP) nói.
Tuy nhiên, có dấu hiệu lạc quan khi các nước P4G, các nước châu Á-Thái Bình Dương, đáng chú ý như Việt Nam đang không ngừng đẩy mạnh quy mô năng lượng tái tạo với các nguồn điện gió, mặt trời chiếm 25% quy mô sản xuất, thể hiện nỗ lực và tầm nhìn trong phát triển, bảo vệ môi trường, giúp quá trình tiêu thụ điện năng hiệu quả hơn đồng thời giúp Chính phủ tìm được công nghệ cũng như vạch ra chiến lược để đạt mục tiêu phát triển.
Bà Armida Salsiah Alisjahbana, Tổng Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP)
Cũng theo bà Armida Salsiah Alisjahbana, chuyển đổi năng lượng không chỉ nằm ở mỗi nguồn năng lượng mà còn ở nhiều khía cạnh tổng hợp khác nữa gồm: tài chính, công nghệ, chính sách pháp lý, chuyển đổi mô hình tài chính xanh giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư và quá trình này còn giảm cung-cầu đối với nguyên liệu hóa thạch, ứng dụng công nghệ trong vận tải nhằm giảm thiếu gây phát thải nhà kính, sử dụng năng lượng tiết kiệm, cải thiện môi trường, tối ưu hóa hệ thống năng lượng, mở rộng quan hệ đối tác công-tư, cũng như hợp tác quốc tế, khu vực, cùng đồng lòng chung tay hành động để đạt mục tiêu bền vững, hiệu quả, công bằng.
Đồng quan điểm trên, ông Chandan Singh, Tổng Giám đốc điều hành quốc gia Hitachi Energy Việt Nam cho rằng, các giải pháp sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong phát triển và sử dụng năng lượng gồm có kết nối lưới điện (cho phép trao đổi năng lượng, cân bằng cung cầu trên các khu vực rộng lớn hơn và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo); lưu trữ năng lượng (thiết yếu để duy trì sự ổn định của lưới điện và bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy); cơ sở hạ tầng lưới điện thông minh hơn (được hỗ trợ bởi các công nghệ AI và phần mềm mới nhất, lưới điện thông minh hơn sẽ nâng cao vòng đời của tài sản, cải thiện quản lý năng lượng và cung cấp dự báo tải chính xác).

Ông Chandan Singh, Tổng Giám đốc điều hành quốc gia Hitachi Energy Việt Nam. (Ảnh HNV)
Phân tích thêm, Tổng Giám đốc Chandan Singh chỉ rõ, các thông lệ tốt nhất trong việc xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi năng lượng bền vững sẽ thể hiện ở điện khí hóa (trọng tâm để đạt được quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững); đánh giá và sửa đổi định kỳ (lộ trình nên được xem xét và sửa đổi thường xuyên dựa trên việc giám sát và đánh giá liên tục tiến độ); minh bạch và xây dựng năng lực (bảo đảm minh bạch và đầu tư vào xây dựng năng lực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới và bảo đảm chúng ta luôn đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng).
“Thiết nghĩ, Việt Nam có thể tham khảo hợp tác với chúng tôi về việc triển khai lưới điện quốc gia phi carbon hóa cũng như mở rộng thêm nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có chúng tôi một cách thực sự hiệu quả” – ông Chandan Singh khuyến nghị.
Ông Andrew Fairthorne, Tổng Giám đốc điều hành của Stride, Singapore tại Việt Nam khẳng định cam kết của tập đoàn trong đầu tư ở Việt Nam theo hướng bền vững, hiệu quả, đặc biệt bảo đảm các mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó có xây dựng các công trình xanh, triển khai điện mặt trời trên mái giúp tiết kiệm điện năng trong các khu công nghiệp, ứng dụng AI và quản lý năng lượng thông minh nhằm tối ưu hóa năng lượng mặt trời, sử dụng xe điện trong khu công nghiệp. Đáng chú ý là hợp tác huy động khoảng 15 tỷ đô trái phiếu xanh và bền vững nhằm hợp tác hiệu quả trong hành trình bền vững.
Trong khi đó, ông Jerrod Moodley, Chuyên gia tài chính Just Energy Transition chia sẻ về mô hình tài chính cho hộ gia đình nhỏ tiếp cận năng lượng mặt trời, đã hoạt động Việt Nam và hỗ trợ cộng đồng khó khăn của Việt Nam, nhất là triển khai các mô hình tài chính vi mô, tài chính xanh như một giải pháp hiệu quả trong hành trình chuyển đổi năng lượng xanh, sạch cũng như sáng tạo một công cụ tài chính mới phối hợp với Ngân hàng thế giới về việc bảo đảm tín dụng nhất là cho các khu vực tư nhân triển khai các dự án chuyển đổi năng lượng…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-cam-ket-vi-mot-nguon-nang-luong-xanh-post873305.html