Thúc đẩy chuyển đổi số để dữ liệu thống kê trở thành nguồn lực phát triển KTXH
Thực hiện các giải pháp hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý, quản trị dữ liệu và đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê, trong những năm vừa qua, ngành Thống kê đã thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê.
Chuyển đổi đồng thời và đồng bộ cả 3 lĩnh vực
Thời gian qua Tổng cục Thống kê đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất thông tin thống kê.
Tổng cục Thống kê đã thay thế phiếu giấy bằng phiếu điện tử, phát triển các phần mềm xử lý kết quả các cuộc điều tra, bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu để sử dụng chung với một số dữ liệu về các bảng danh mục, ngân hàng câu hỏi điều tra, các bảng mã câu trả lời cho câu hỏi đóng đối với một số lĩnh vực thống kê.
Hiện tại, ngành Thống kê đã xây dựng được một số CSDL và kho dữ liệu trên nền tảng MS SQL gồm: CSDL kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở các năm 1999, 2009; Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp các năm 2007, 2012; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản các năm 2006, 2011; Điều tra doanh nghiệp các năm từ 2002 đến 2012; Xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 1998 đến 2014; Khảo sát mức sống; Điều tra lao động việc làm; Điều tra biến động dân số…
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tập trung chủ yếu các lĩnh vực: Tổ chức cán bộ, Kế hoạch tài chính, Pháp chế thanh tra và tuyên truyền, Quan hệ quốc tế, Phương pháp chế độ, quản lý khoa học, quản lý chất lượng và Văn phòng.
Nhiều phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành được triển khai thực hiện trong toàn Ngành như: Phần mềm quản lý nhân sự; Phần mềm giao kế hoạch công tác và chấm điểm thi đua đối với Cục Thống kê; Phần mềm Quản lý Dự toán; Phần mềm quản lý công tác tuyên truyền; Phần mềm quản lý công việc (Taskgov); Phần mềm quản lý cuộc họp...
Do tính chất công việc chuyên môn, ngành Thống kê sử dụng, lưu giữ văn bản giấy với nhiều tài liệu, số liệu quan trọng. Quyết tâm chuyển đổi số thành công, Tổng cục Thống kê đặt mục tiêu, hiện đại hóa hoạt động thống kê theo hướng chuyển đổi số bắt đầu bằng số hóa văn bản, tài liệu, dữ liệu hành chính, lưu chuyển trên môi trường số hóa; tự động hóa các quy trình nghiệp vụ của hoạt động thống kê, tiến tới tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiến; khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu thống kê, nâng cao tính minh bạch và tính giải trình, xóa bỏ khoảng cách dữ liệu, tạo tiền đề cho cách mạng dữ liệu thống kê.
Bên cạnh đó, công tác tư liệu hóa các hoạt động quản lý và sản xuất thông tin thống kê tại Tổng cục Thống kê đã, đang dần được triển khai thực hiện.
Tổng cục Thống kê xác định quá trình chuyển đổi số và tư liệu hóa hoạt động thống kê bao gồm chuyển đổi đồng thời và đồng bộ cả 3 lĩnh vực chính: Chuyển đổi số quy trình nghiệp vụ, bao gồm thay đổi cả dịch vụ, sản phẩm và cảm nhận của đối tượng sử dụng dịch vụ và sản phẩm thống kê; Chuyển đổi số trong quản trị nhân lực ngành Thống kê, đáp ứng yêu cầu sử dụng công nghệ và tuân thủ quy trình mới; Ứng dụng công nghệ với trọng tâm là số hóa, sử dụng dữ liệu số hóa với các ứng dụng thông minh.
Để có cơ sở pháp lý thực hiện giải pháp tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê trên cả nước, Tổng cục Thống kê đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia. Đề án sau khi được phê duyệt, sẽ tạo điều kiện cho cách mạng dữ liệu thống kê và tạo đột phá cho kinh tế - xã hội.
Thống nhất để dữ liệu thống kê trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Để dữ liệu thống kê trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng trong và ngoài nước và đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, ngành Thống kê xác định một trong những giải pháp trọng tâm trên hành trình chuyển đổi số tiếp theo là thống nhất dữ liệu.
Có nghĩa là cơ sở dữ liệu của ngành Thống kê từ Trung ương đến địa phương được xây dựng thành một CSDL thống nhất, kết nối với các cơ sở dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính của các bộ, ngành và địa phương để tạo thành một cơ sở dữ liệu tập trung và thống nhất.
Đây cũng là đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh hiện nay một số Bộ, ngành và địa phương đang triển khai xây dựng và quản lý dữ liệu tập trung phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực, tuy nhiên các dữ liệu hiện đang lưu trữ phân tán, rời rạc, chưa có tính liên kết, xâu chuỗi.
Có thể nói, cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia là dữ liệu đầu vào quan trọng trong việc biên soạn các chỉ tiêu thống kê, cung cấp thông tin thống kê chính thức và đáng tin cậy, là nguồn tài nguyên quý giá, cùng với cơ chế chính sách phù hợp sẽ giúp cho các tổ chức và cá nhân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia một cách có hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Thống kê mà đòi hỏi có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành.
Tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới và từ khuyến nghị của một số tổ chức quốc tế về xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, Tổng cục Thống kê cũng đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, để bảo đảm việc triển khai được đồng bộ, có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan, đơn vị.
Từ đó xây dựng, quản lý, sử dụng và cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, cung cấp thông tin thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của người dùng tin trong và ngoài nước./.