Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành sản xuất
TP Hồ Chí Minh xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đặt mục tiêu phát triển dựa trên nền tảng công nghệ. Nếu như năm 2021, Thành phố chi 0,78% ngân sách cho chuyển đổi số, thì năm 2022 con số này là 0,97% và dự kiến năm 2023 là hơn 1%.
Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, TP Hồ Chí Minh đã rất quyết tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh do Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban.
Đặc biệt, Thành ủy đã định hướng của Thành phố trong giai đoạn tới là tiếp tục nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp, đáp ứng xu thế phát triển của thế giới và xây dựng các ngành công nghiệp sản xuất phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, xem đây là cuộc cách mạng mang tính đột phá của Thành phố.
COVID-19 đã làm "biến mất" hàng trăm ngàn DN. Trong nửa đầu năm nay, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 60.200 DN (tăng 18,2% so cùng kỳ năm trước). Cùng thời gian này, có 31.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 8.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tương ứng tăng 28,9% và 2,8% so cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm có đến 100 ngàn DN đã rời thương trường, trong đó có hơn 20.000 DN ở TP Hồ Chí Minh.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhiều DN đã phải tìm giải pháp cắt giảm chi phí, tối ưu hóa sản xuất kinh doanh. Việc áp dụng và kết hợp các công nghệ tiên tiến đã mang lại các lợi ích rõ rệt cho các DN trên nhiều phương diện.
Lợi ích tiềm năng của chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất dựa trên hiệu quả về chi phí và đảm bảo chất lượng, tích hợp dữ liệu, giúp đơn giản hóa các quy trình phức tạp. Các DN sản xuất sử dụng ít lao động hơn nhờ tự động hóa trong quá trình sản xuất giúp giảm chi phí và tăng năng suất.
Nhờ sự phát triển công nghiệp 4.0, các giải pháp phân tích dữ liệu có thể hỗ trợ các DN tăng năng suất, cải thiện hiệu suất và nâng cao khả năng ra quyết định để đạt được tỷ suất hoàn vốn, tỷ lệ thu hồi vốn đầu tư tốt nhất. Bên cạnh đó, với hệ thống cảm biến được lắp đặt ở khắp mọi nơi trong nhà máy, người lao động có thể được cảnh báo trước các nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường làm việc của mình.
Tuy nhiên, cho đến nay không ít DN sản xuất vẫn còn loay hoay với "bài toán" chuyển đổi số vì chưa gỡ được những rào cản: Đó là DN cần có chi phí lớn để thay đổi quy trình, hệ thống và cả con người. Tiếp theo là cần thay đổi tư duy ngay trong DN và cuối cùng là lựa chọn công nghệ phù hợp với DN. Những khảo sát gần đây của các tổ chức hỗ trợ DN như: VCCI, Cục Phát triển DN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cũng đều đánh giá, mức độ trưởng thành số trong các DN Việt Nam còn hạn chế.
Ông An Ngọc Thao - Phó Tổng thư ký VINASA cho rằng, đã đến lúc DN cần đẩy mạnh hợp tác, tăng cường chuyển đổi số để tối ưu hóa hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh, giảm chi phí. Đó không chỉ là khắc phục khó khăn mà còn tạo nền tảng, lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phát triển tiếp theo của DN.
Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc ITPC cũng khẳng định, để cung cấp cho các DN những thông tin bổ ích, giúp DN thay đổi về tư duy nhân sự lao động và tối đa hóa doanh thu thông qua các lợi thế cạnh tranh độc đáo, ITPC sẽ làm cầu nối giữa DN và các đơn vị cung cấp các giải pháp chuyển đổi số uy tín để giúp DN tìm được giải pháp tối ưu tăng hiệu suất hoạt động.