Thúc đẩy cơ giới hóa trong trồng trọt sau dồn thửa đổi ruộng

Cùng với chủ trương dồn thửa đổi ruộng (DTĐR), những năm gần dây, nhiều địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung hàng hóa.

Nhờ hiệu quả từ chương trình dồn thửa đổi ruộng, các địa phương trong tỉnh có điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả lao động và giá trị sản xuất. Ảnh: Chu Kiều

Nhờ hiệu quả từ chương trình dồn thửa đổi ruộng, các địa phương trong tỉnh có điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả lao động và giá trị sản xuất. Ảnh: Chu Kiều

“Chưa bao giờ làm ruộng lại nhàn như bây giờ. Cả vụ, bà con chỉ mất vài buổi đi dặm lúa, làm cỏ, dẫn nước với trông nom đồng ruộng, còn lại đã có máy móc làm hết”. Đó là tâm sự của ông Trương Minh Chân, người dân xã Đồng Ích (Lập Thạch), nơi vừa hoàn thành công tác DTĐR đầu năm 2021.

Là xã có diện tích đất nông nghiệp lớn, chiếm 1/5 diện tích đất nông nghiệp của huyện Lập Thạch, thế nhưng sản xuất nông nghiệp của Đồng Ích trước đây gặp rất nhiều khó khăn do ngập úng, lao động nông nghiệp có xu hướng già hóa, đồng ruộng bỏ hoang nhiều.

Anh Đỗ Quốc Đoàn, cán bộ nông nghiệp xã Đồng Ích cho biết: “Trước đây, người dân trong xã cũng mong muốn áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để khắc phục tình trạng thiếu lao động. Một số hộ cũng đã chủ động đầu tư máy móc về phục vụ nhu cầu của bà con, song, do ruộng đất manh mún, việc áp dụng cơ giới hóa trong trồng trọt của xã vẫn hạn chế. Máy móc sử dụng sản xuất chủ yếu là các máy công suất nhỏ, máy cấy kéo tay, năng suất lao động không được đảm bảo, khó nhân rộng”.

Từ sau khi thực hiện chương trình DTĐR, đồng thời được sự quan tâm hỗ trợ kỹ thuật, giống, máy móc của tỉnh, huyện, sản xuất nông nghiệp ở Đồng Ích bước sang một trang mới.

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng máy làm đất trong sản xuất lúa của xã đạt trên 95%, máy gặt đập liên hợp là 98% và máy cấy là 50%. Đối với diện tích đã DTĐR, việc áp dụng cơ giới hóa được triển khai đồng bộ trong tất cả các khâu từ làm đất, gieo mạ, cấy máy, đến thu hoạch với tỷ lệ đạt trên 80%. Từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng bỏ hoang ruộng đất, mở đường cho sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn của xã phát triển.

Không chỉ riêng Đồng Ích, thực hiện chủ trương DTĐR của tỉnh, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện DTĐR tại 13 xã thuộc 4 huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Yên Lạc, Bình Xuyên với diện tích dồn đổi lên trên 1900 ha.

Sau DTĐR, tình trạng manh mún ruộng đất cơ bản được khắc phục, từ chỗ trung bình 8 -10 thửa ruộng nhỏ/hộ, nay giảm xuống chỉ còn 2-3 thửa/hộ. Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã kết hợp việc DTĐR với quy hoạch, xây dựng lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng với 742 tuyến đường GTNĐ, 796 tuyến mương nội đồng được xây dựng mới.

Thành công lớn nhất sau DTĐR là đã tạo ra những thửa ruộng lớn, mở đường cho việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Nếu như năm 2016, số máy phục vụ sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh chỉ có 120 máy làm đất công suất từ 15 - 35 mã lực; 3 máy làm đất công suất trên 35 mã lực; 1 máy cấy sáu hàng và 5 máy cấy 4 hàng; 5 máy gặt đập liên hợp, thì năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã có 240 máy làm đất công suất dưới 35 mã lực; 50 máy làm đất công suất trên 35 mã lực; 15 máy cấy sáu hàng và 10 máy cấy 4 hàng; 30 máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất lúa.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trước đây, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã có, song vẫn chủ yếu ở khâu làm đất (khoảng 80 -90% diện tích) và khâu thu hoạch (50 - 70% diện tích).

Nhưng đến nay, nhờ đồng ruộng được cải tạo, kiến thiết lại, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong hai khâu này không những được nâng lên tới 90 – 95% mà còn tác động tới các khâu khác trong quá trình sản xuất như cấy máy, phun thuốc, bón phân…

Nhiều địa phương đã thực hiện được cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa như Tân Phong, Phú Xuân (Bình Xuyên), Đồng Ích (Lập Thạch), Ngũ Kiên (Vĩnh Tường)…; từ đó, nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động thủ công, khắc phục tình trạng thiếu lao động thời vụ, góp phần tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp chuyển dịch từ sản xuất thủ công kém hiệu quả sang cơ giới hóa, hiện đại hóa.

Do tác động quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, các địa phương trong tỉnh đang có nhu cầu rất lớn về áp dụng cơ giới hóa để giải quyết vấn đề thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa trong trồng trọt hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác DTĐR mới chỉ được triển khai tại một số địa phương. Nhiều nơi vẫn còn các thửa ruộng nhỏ lẻ, manh mún, gây trở ngại cho việc đưa máy móc vào sản xuất.

Thêm vào đó, việc áp dụng cơ giới hóa trong một số khâu như làm mạ và gieo cấy cần rất nhiều trang thiết bị, vật tư và địa bàn sản xuất với chi phí đầu tư rất lớn, trong khi ít có hộ dân nào có khả năng đáp ứng.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nói riêng vào trong trồng trọt nói chung, các địa phương cần tích cực và nhanh chóng thực hiện thành công DTĐR để phát triển cánh đồng mẫu lớn, thửa ruộng lớn, thuận lợi cho việc đưa các loại máy sản xuất nông nghiệp vào hoạt động được dễ dàng và phát huy được công suất tối đa của các loại máy móc, từ đó làm căn cứ để giảm giá thành sản xuất.

Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đề xuất tỉnh quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã, các cá nhân, DN đứng ra làm dịch vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến về kết quả, hiệu quả của các mô hình đưa cơ giới hóa vào sản xuất để người dân trên địa bàn tỉnh biết và hưởng ứng, áp dụng cho những thửa ruộng của gia đình.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/79520/thuc-day-co-gioi-hoa-trong-trong-trot-sau-don-thua-doi-ruong.html