Thúc đẩy công lý, tạo lập niềm tin
Vĩnh Phúc là 1 trong 13 tỉnh, thành phố được lựa chọn thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại. Sau hơn 12 năm triển khai, hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển cả về số lượng và quy mô. Qua đó góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hệ thống thừa phát lại được thực hiện các công việc gồm tống đạt văn bản theo yêu cầu của tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Vĩnh Phúc triển khai chế định thừa phát lại từ năm 2013 với sự thành lập của Văn phòng Thừa phát lại Phúc Yên, có địa chỉ tại phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên (nay là Văn phòng Thừa phát lại Hoàng Huy).

Thừa phát lại của Văn phòng Thừa phát lại Trần Gia, phường Đống Đa (Vĩnh Yên) hướng dẫn người dân làm thủ tục lập vi bằng. Ảnh: Dương Hà
Để mở rộng mạng lưới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu phát triển thêm 8 văn phòng tại các địa phương.
Đồng thời, giao Sở Tư pháp tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của các văn phòng thừa phát lại. Tích cực phối hợp các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn về chế định thừa phát lại và chủ trương xã hội hóa một số nội dung hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung, thi hành án nói riêng. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ thừa phát lại và những người làm công tác quản lý nhà nước về thừa phát lại.
Với sự quan tâm, định hướng của các sở, ngành, địa phương, đến nay, tỉnh đã có 6 văn phòng thừa phát lại tại thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên và huyện Vĩnh Tường. Các văn phòng đều có trụ sở, trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo hoạt động.
Các thừa phát lại và thư ký thừa phát lại đều đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định, trong đó, phần lớn là chấp hành viên, điều tra viên, luật sư và cán bộ ngành Tư pháp đã nghỉ hưu, có nhiều năm công tác pháp luật, có bề dày kinh nghiệm và trình độ chuyên môn trong việc triển khai nhiệm vụ thừa phát lại.
Đến nay, hoạt động của các văn phòng thừa phát lại được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đón nhận tích cực. Năm 2024, các văn phòng thừa phát lại đã thực hiện tống đạt gần 11 nghìn văn bản của tòa án và các cơ quan thi hành án dân sự; lập gần 6.400 vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền, giấy tờ trong giao dịch dân sự, ghi nhận hiện trạng nhà ở đang sử dụng, hiện trạng thửa đất… với tổng doanh thu gần 3 tỷ đồng.
Hoạt động của các văn phòng thừa phát lại không chỉ góp phần giảm tải áp lực công việc cho cơ quan thi hành án dân sự, rút ngắn thời gian giải quyết các vụ việc, tăng tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động tố tụng mà còn hỗ trợ hiệu quả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ghi nhận các sự kiện, hành vi làm chứng cứ pháp lý, giúp hạn chế tranh chấp và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.
Anh Nguyễn Văn Lâm (phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi có một căn nhà cho thuê. Được bạn bè tư vấn, giới thiệu, tôi đến Văn phòng Thừa phát lại Trần Gia để lập vi bằng ghi nhận hiện trạng của căn nhà trước khi cho thuê.
Nhờ có vi bằng này mà khi xảy ra tranh chấp với bên cho thuê cuối năm 2024, tôi đã có đủ căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi thấy dịch vụ này rất hữu ích, vừa nhanh chóng, chính xác, lại có thể giúp người dân an tâm hơn khi có vấn đề pháp lý xảy ra".
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mô hình thừa phát lại, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thừa phát lại đến người dân.
Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ thừa phát lại, thư ký thừa phát lại. Chủ động nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các văn phòng thừa phát lại trong quá trình hoạt động; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và xây dựng cơ sở dữ liệu thừa phát lại để các văn phòng hoạt động ổn định, phát triển bền vững.