Thúc đẩy ĐBSCL vươn lên mạnh mẽ

Các địa phương kỳ vọng Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có những quyết sách điều chỉnh phù hợp hơn nữa để tạo xung lực, thúc đẩy ĐBSCL phát triển trong giai đoạn tới

Sáng nay (13-3), hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP (NQ 120) của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra tại TP Cần Thơ. Hội nghị sẽ đánh giá hiệu quả bước đầu sau hơn 3 năm triển khai thực hiện NQ 120 tại các tỉnh, thành ĐBSCL, ghi nhận thành quả đạt được và nhìn nhận những hạn chế, yếu kém cần khắc phục; tìm giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ cho giai đoạn thực hiện tiếp theo.

Diện mạo thay đổi rõ rệt

NQ 120 thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chính phủ với chủ trương phát triển "thuận thiên" để chủ động hóa giải các thách thức do BĐKH và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Kông, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho ĐBSCL phát triển.

Theo đó, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo 4 lĩnh vực chính: năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, hạ tầng và kỹ thuật môi trường, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm và các dịch vụ vận tải (logistics) liên quan. Qua đó, góp phần thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà để nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới; sửa đổi chính sách đất đai, gỡ các nút thắt nhằm tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư.

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 120, hạn hán và xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước ngọt ở ĐBSCL là bài toán cần sớm được giải đáp Ảnh: NGỌC TRINH

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 120, hạn hán và xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước ngọt ở ĐBSCL là bài toán cần sớm được giải đáp Ảnh: NGỌC TRINH

Bên cạnh đó, nhiều đề án, quy hoạch, chương trình phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH được phê duyệt và triển khai, như Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, các bộ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển vùng, như: chính sách ưu đãi, khuyến khích DN đầu tư trở thành hạt nhân cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, thích ứng với BĐKH, cải cách hành chính nhằm thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở đó, các DN, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư triển khai các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo…, làm thay đổi bộ mặt của vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước.

Theo đánh giá chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), sau hơn 3 năm triển khai thực hiện NQ 120, chủ trương "thuận thiên" từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL. Các địa phương đều thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng thích ứng với BĐKH, phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế tự nhiên của vùng.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, thực hiện NQ 120, tỉnh này đã xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý phục vụ nền kinh tế nông nghiệp đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường và thích ứng với BĐKH. Trong những năm qua, Bến Tre đã tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Bến Tre tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng chất lượng và hiệu quả. Ngoài ra, các mô hình sản xuất hữu cơ như tôm lúa, tôm rừng, dừa hữu cơ được thực hiện thí điểm và nhân rộng, vừa mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân vừa thích nghi với tình hình BĐKH.

Tại An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết sau hơn 3 năm thực hiện NQ 120, địa phương này đã ký kết với tỉnh Kiên Giang về hợp tác trong vấn đề quản lý nguồn nước, đồng thời tích cực triển khai kế hoạch hành động để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Nhiều dự án liên kết vùng giữa An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp đã và đang thực hiện, như: đường tỉnh 955A hoàn thành năm 2020, kết nối cơ sở hạ tầng giao thông bộ của tỉnh An Giang và Kiên Giang, góp phần phát triển hạ tầng du lịch và an ninh biên giới; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cho vùng Tứ giác Long Xuyên; dự án tăng cường khả năng chống chịu sạt lở vùng giữa sông Tiền và sông Hậu đang được triển khai thực hiện...

Có thể khẳng định sau hơn 3 năm triển khai thực hiện NQ 120, vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng "thuận thiên", bền vững; sinh kế, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Trong đó, đáng chú ý nhất là đã định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL. Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, đặc biệt năm 2018 đạt 7,8% (cao hơn mức tăng trưởng bình quân 7,08% của cả nước). Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp, đã khẳng định chủ trương đúng đắn của "thuận thiên", chúng ta chủ động thích ứng với tác động của BĐKH.

Ưu tiên bố trí nguồn lực

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ TN-MT cũng nhìn nhận trong quá trình triển khai thực hiện NQ 120, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. Mặc dù trong hơn 3 năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành, bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách cho riêng vùng ĐBSCL nhưng các cơ chế, chính sách này cần có thời gian để phát huy hiệu quả, đồng thời phải phù hợp với tổng thể chung của cả nước. Thể chế điều phối vùng vừa mới được hình thành và cần có thời gian để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối thực hiện các nhiệm vụ liên ngành, liên vùng, đặc biệt là đề xuất những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông...

Các địa phương ở ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển để bảo vệ sản xuất, ổn định cuộc sống người dân Ảnh: NGỌC TRINH

Các địa phương ở ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển để bảo vệ sản xuất, ổn định cuộc sống người dân Ảnh: NGỌC TRINH

NQ 120 được ban hành sau khi chương trình đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua nên mặc dù nguồn lực thực hiện đã được quan tâm, thúc đẩy nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Phần lớn các công trình, dự án có tính liên vùng, liên ngành, có quy mô lớn nhằm thay đổi cơ bản bức tranh phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH vẫn còn chậm triển khai thực hiện. Luật Quy hoạch được ban hành với các yêu cầu và nội dung mới dẫn đến một số lúng túng trong quá trình rà soát, xây dựng quy hoạch, nhất là việc xây dựng quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL theo phương pháp tích hợp và các quy hoạch ngành, địa phương để tích hợp vào quy hoạch vùng ĐBSCL. Tư duy phát triển "thuận thiên", theo 3 vùng kinh tế sinh thái chậm được triển khai; việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn lúng túng do chưa có quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL...

Từ những khó khăn nêu trên, Bộ TN-MT đưa ra một số kiến nghị định hướng trọng tâm thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL giai đoạn 2021-2021, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển phục vụ sản xuất, ổn định đời sống người dân vùng ĐBSCL, nhất là các dự án đa mục tiêu, kết nối vùng; tăng cường điều tra cơ bản, năng lực quan trắc, dự báo, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu; thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu hợp lý...

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển vùng ĐBSCL, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, khu kinh tế trọng điểm ven biển; chú trọng đầu tư các tuyến quốc lộ, cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, các cảng nước sâu... để vực dậy tiềm năng phát triển của vùng.

Còn ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đầu tư các dự án trọng điểm về giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ liên kết phát triển bền vững ĐBSCL, như: cầu Rạch Miễu 2 (nối Tiền Giang - Bến Tre), đường cao tốc Trung Lương - Bến Tre - Trà Vinh, đường giao thông ven biển (nối TP HCM - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng), cầu Đình Khao trên Quốc lộ 57 (nối Bến Tre - Vĩnh Long)...

Thế giới làm được chúng ta cũng làm được!

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng để thực hiện NQ 120 tốt hơn nữa, nhà nước cần mạnh dạn đầu tư hạ tầng cơ sở để nông dân có thể sản xuất theo định hướng của mình.

Về phía nông dân, cần thay đổi tư duy làm ăn tập thể theo kiểu dồn điền đổi thửa để trồng có năng suất cao với chi phí giảm mà chất lượng lại tốt. Khi đó, nông dân chỉ mất phần nhỏ đất đai làm đường cho xe tải vào chở hàng hóa, phân bón. Vấn đề tìm đối tác hoặc mở rộng thị trường cũng là thách thức nhưng không phải là trở ngại lớn, vì các nước trên thế giới làm được thì chúng ta cũng có thể làm được.

Ông TRẦN VIỆT TRƯỜNG, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:

Sớm triển khai dự án kết nối ĐBSCL với TP HCM

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả NQ 120, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị, nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thủy lợi, kết hợp với giao thông, điện và bố trí ổn định đời sống dân cư vùng có nguy cơ cao về thiên tai. Hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng khung của vùng. Sớm triển khai các dự án hạ tầng giao thông quan trọng kết nối giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và với TP HCM như: Tuyến đường vào KCN phía Nam và cảng Cái Cui; nâng cấp, mở tuyến đường nối TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang (Quốc lộc 61C); dự án cầu Cần Thơ 2; nạo vét kênh Quan Chánh Bố; tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; tuyến đường sắt kết nối TP Cần Thơ với TP HCM.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ

Ngoài ra, cần sớm phê duyệt và triển khai chương trình hỗ trợ từ ngân sách trung ương có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL (DPO) nhằm phát huy hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện các công trình giao thông kết nối quan trọng, tăng cường liên kết hợp tác, tạo động lực quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

Ông NGUYỄN THANH BÌNH, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang:

Ban hành quy hoạch ĐBSCL tầm nhìn đến năm 2050

Sau khi bắt tay thực hiện NQ 120 đến nay, việc ứng phó với BĐKH trên địa bàn An Giang đã được triển khai đồng bộ, tập trung hơn, mang lại nhiều kết quả tích cực. Các giải pháp tổng thể về quy hoạch, tổ chức không gian, cơ cấu kinh tế, liên kết vùng, huy động nguồn lực phát triển cho toàn bộ khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng đã được tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, mang tính chiến lược.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Để phát huy các kết quả đạt được thời gian qua, An Giang đề xuất các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH. Sớm ban hành quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các tỉnh, TP có cơ sở triển khai xây dựng quy hoạch địa phương và là cơ sở để triển khai các hoạt động liên kết vùng; đồng thời ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng cũng như tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-3

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thuc-day-dbscl-vuon-len-manh-me-20210312221701083.htm