Thúc đẩy di cư an toàn, bình đẳng cho lao động

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, trong quá trình di cư có nhiều rủi ro xảy ra đối với người lao động.

Cần có những giải pháp thúc đẩy lao động di cư an toàn. Ảnh minh họa

Cần có những giải pháp thúc đẩy lao động di cư an toàn. Ảnh minh họa

Bình đẳng cho lao động nữ

Bà Hà Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Vì đó, hoạt động liên quan đến lao động di cư, bảo vệ lao động di cư bị hạn chế. Trước đại dịch, trung bình mỗi năm lao động của Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài khoảng 145.000 người đến 150.000 người. Vào năm 2021, người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài khoảng 45.000 người.

Trong đó, số lao động nữ di cư ngày càng gia tăng. Lao động nữ di cư chiếm khoảng 30% số lao động di cư đi làm việc nước ngoài. Trong đó lao động nữ di cư chỉ tập trung vào một số ngành nghề như lao động giúp việc, y tá, hộ lý… Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, trong quá trình di cư có nhiều rủi ro xảy ra đối với người lao động.

Để bảo vệ lao động di cư, đặc biệt lao động nữ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm đảm bảo lao động di cư được bình đẳng, an toàn. Đồng thời, Việt Nam đã hợp tác các nước ASEAN liên quan đến bảo vệ phụ nữ di cư…

Tại Việt Nam, dự án di cư lao động an toàn, công bằng hỗ trợ các bên chia sẻ các mối quan ngại thảo luận những giải pháp để các cơ quan liên quan thúc đẩy, hỗ trợ lao động di cư an toàn, bình đẳng, tránh mọi rủi ro có thể xảy ra.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới với số lượng 18,1 tỷ USD vào năm 2021, chiếm đến 4,9% GDP. Đây là chỉ số cho thấy tầm quan trọng của kinh tế từ lao động di cư.

“Thời gian qua, bối cảnh di cư thay đổi nhanh chóng do đại dịch Covid-19. Thị trường lao động của nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm pháp cao, tăng trưởng chậm, điều này ảnh hưởng đến mô hình di cư trong khu vực. Điều này cho thấy cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo quyền cho lao động di cư những người làm việc trong điều kiện bị trả lương thấp”, Giám đốc Văn phòng ILO nhấn mạnh.

Bà Vũ Hồng Minh, Chánh Văn phòng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết 6 tháng đầu năm 2022, số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài là hơn 46.000 người. Dự kiến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 140.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Các chính sách liên quan đến lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng hoàn thiện. Các nội dung hỗ trợ ngày càng đa dạng, mức hỗ trợ cao, đảm bảo bình đẳng giới.

Cụ thể, mức hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích mức tăng từ 10 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Hỗ trợ chí phí tư vấn pháp lý, thuê luật sư trong trường hợp phát sinh vụ việc phức tạp. Đồng thời, hỗ trợ chi phí chỗ ở cho người lao động… Các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với đặc điểm giới.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Doãn Mậu Diệp, cho rằng cần có sự liên minh giữa doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và chủ sử dụng lao động. Cần thành lập liên minh tuân thủ các quy định pháp luật như vậy mới có thể thúc đẩy di cư an toàn, công bằng.

Lao động đi làm việc cần có mã định danh

Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Năm 2021, số lượng lao động tuy có sụt giảm, nhưng 8 tháng đầu năm 2022, đã đưa được 81.000 lao động đi nước ngoài. Lao động tập trung chủ yếu vào 2 thị trường chính là Nhật Bản, Đài Loan. Lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình”.

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ, xuất khẩu lao động cũng tồn tại những vấn đề hạn chế. Đó là lao động cư trú bất hợp pháp, chi phí tuyển dụng cao, trình độ tay nghề của người lao động thấp… Tình trạng lao động ở lại, bỏ trốn, đến nhập cảnh nhưng không đến nơi làm việc hiện hữu ở nhiều nơi.

Công tác quản lý người lao động sau khi kết thúc hợp đồng về nước cũng làm chưa chặt chẽ. Vấn đề đào tạo nghề, giáo dục định hướng, phí tuyển dụng, tình trạng cò mồi… vẫn cần phải khắc phục trong thời gian tới.

TS Nguyễn Đình Quốc Cường, Đại học Quốc gia TPHCM cũng chỉ ra những vấn đề nhức nhối của hoạt động xuất khẩu lao động hiện nay. Đó là lừa đảo của công ty môi giới xâm hại đến hình ảnh của lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Nhiều công ty, nghiệp đoàn e ngại dùng lao động Việt Nam bởi không đủ trình độ, kỹ năng. Cùng với đó là biến tướng của hoạt động buôn người công nghệ cao và tình trạng bỏ trốn của lao động Việt Nam.

Ông Cường cho rằng, Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài để hạn chế tình trạng trên. Bộ LĐ-TB&XH cần đóng vai trò then chốt, yêu cầu các công ty đưa người đi và doanh nghiệp của nước ngoài xây dựng kho dữ liệu về lao động. Đồng thời liên thông với hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước.

Ngoài ra, lao động đi làm việc cần có mã định danh, thể hiện những thay đổi trong quá trình làm việc và cập nhật liên tục nếu có thay đổi.

Ngọc Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thuc-day-di-cu-an-toan-binh-dang-cho-lao-dong-post615542.html