Thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến: Dấu ấn cải cách thủ tục hành chính năm 2024

Thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, những năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC. Đặc biệt, trong năm 2024, công tác này lại được chú trọng đẩy mạnh, vì vậy, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến đạt trên 98% ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã). Đây được xem là kết quả quan trọng của công tác cải cách TTHC trong năm qua.

Công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn đại diện doanh nghiệp nộp hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn đại diện doanh nghiệp nộp hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Tính đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết của tỉnh đang triển khai cung cấp 1.840 DVCTT, trong đó có 521 DVCTT một phần, 1.027 DVCTT toàn trình, còn 292 dịch vụ công chưa cung cấp trực tuyến (do chưa đáp ứng điều kiện triển khai DVCTT). Việc ứng dụng DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Xác định năm 2024 là năm quan trọng thực hiện Đề án cải cách TTHC tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, chính vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đẩy mạnh thực hiện DVCTT với mục tiêu vì sự hài lòng của cá nhân, tổ chức, trọng tâm vào 3 nội dung là xây dựng, ban hành kế hoạch; tổ chức phong trào thi đua và chú trọng công tác tuyên truyền.

Theo đó, tháng 1/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND cải cách hành chính tỉnh Lạng Sơn năm 2024, đề ra nhiệm vụ tiếp tục triển khai, cung cấp DVCTT toàn trình, một phần, trong đó, tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 90%; tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết qua DVCTT đạt 80%. Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã phải cụ thể hóa xây dựng kế hoạch phù hợp, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm, kết quả của việc triển khai DVCTT là một trong những nội dung đánh giá công tác cải cách TTHC của đơn vị.

Cùng với đó, để tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến và hồ sơ được xử lý trên môi trường trực tuyến: đạt từ 80% đến 95% đối với các sở, ngành; đạt 85% đối với UBND các huyện, thành phố (bao gồm cả cấp xã).

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Chúng tôi đã xây dựng và ban hành kế hoạch chỉ đạo các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, UBND các xã, thị trấn quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” tăng cường thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC trên DVCTT, hướng dẫn người dân tạo tài khoản và quy trình nộp hồ sơ. Đồng thời, chúng tôi cũng nâng cấp, cải tạo bộ phận “một cửa” cấp huyện với diện tích hơn 200 m2, bố trí 100 ghế ngồi chờ, 2 bàn để viết, 2 máy tính có kết nối mạng dành cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch, thực hiện DVCTT. Nhờ đó đến nay, tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ đạt 100%, vượt 10% chỉ tiêu tỉnh giao; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đạt 98,32%, vượt 13,32% chỉ tiêu tỉnh giao. Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện DVCTT, tháng 4/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND về phát động phong trào thi đua cao điểm “Đẩy mạnh hiện đại hóa bộ phận "một cửa" cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn". Phong trào được thực hiện trong 150 ngày, từ ngày 1/5 - 30/9/2024. Kết thúc, cả tỉnh có 12 tập thể, 5 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Tuyên truyền cũng là một trong những giải pháp quan trọng được các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã quan tâm triển khai. Theo đó, chính quyền đã chỉ đạo sát sao, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bằng nhiều hình thức đa dạng như qua loa truyền thanh; qua tờ rơi, tập gấp... Đặc biệt, mỗi xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập 1 tổ công nghệ số cộng đồng, 1 tổ hướng dẫn người dân thực hiện TTHC, dịch vụ bưu chính công ích, DVCTT tại bộ phận “một cửa” thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công và thực hiện các thao tác thực hiện thủ tục trên môi trường mạng.

Các bước nộp hồ sơ trên Dịch vụ công trực tuyến:

Bước 1: Truy cập địa chỉ: https://dichvucong.langson.gov.vn/: tại giao diện trang chủ: chọn [đăng ký] để đăng ký tài khoản; điền đầy đủ thông tin vào các ô có dấu sao (*), chọn [đăng ký]
Bước 2: Đăng nhập bằng tài khoản công dân đã đăng ký: điền tài khoản và mật khẩu; chọn [đăng nhập]
Bước 3: Chọn Menu [nộp qua mạng] và Tìm TTHC cần nộp HS tại mục tìm kiếm: Sau khi tìm thấy TTHC cần nộp, chọn mục [Nộp hồ sơ] để nộp hồ sơ trực tuyến.
Bước 4: Chọn quy trình, đơn vị cần nộp hồ sơ; điền đầy đủ thông tin người nộp hồ sơ.
Bước 5: Chọn thành phần hồ sơ tương ứng: Check chọn thành phần hồ sơ; chọn [chọn tệp tin] để đính kèm bản scan, bản chụp của thành phần hồ sơ đó.
Bước 6: Chọn loại phí, lệ phí cần nộp theo từng hồ sơ: chọn phương thức thanh toán: VNPT Pay, Payment Platform, PayGov; nhập mã xác nhận [thanh toán và nộp hồ sơ]; chọn phương thức thanh toán; Hệ thống thông báo hồ sơ nộp thành công.

Cá nhân, tổ chức được hưởng lợi

Với những giải pháp thiết thực đã được các cơ quan, đơn vị hành chính triển khai thực hiện, chất lượng thực hiện DVCTT ở cả 3 cấp đều có chuyển biến rõ nét. Trong năm 2024, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 448.000 hồ sơ TTHC, trong đó hơn 400.000 hồ sơ TTHC được tiếp nhận trực tuyến, chiếm trên 89,3%, tăng 7,7% so với năm 2023; 100% số lượng hồ sơ này được giải quyết đúng và trước hạn. Đặc biệt, so với mục tiêu đề ra tại Đề án cải cách TTHC tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tính đến nay, một số chỉ tiêu đều đã đạt và vượt, cụ thể: tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo DVCTT mức độ một phần và toàn trình trên tổng số hồ sơ tiếp nhận đạt 83,3%, vượt 33,3% mục tiêu đề án; 84,1% TTHC đáp ứng yêu cầu được triển khai DVCTT mức độ toàn trình, một phần và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, vượt 4,1% mục tiêu đề án; 100% đơn vị cấp xã được trang bị thiết bị một cửa hiện đại, vượt 40% mục tiêu đề án...

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân. Thêm vào đó, việc gửi hồ sơ qua DVCTT giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch bất kỳ thời gian nào trong ngày, tại bất cứ đâu khi có thiết bị kết nối internet thay vì phải trực tiếp cơ quan nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Qua DVCTT, tổ chức, cá nhân còn có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ.

Để thấy rõ tiện ích của DVCTT trong thực hiện TTHC, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với người dân đã nộp hồ sơ qua DVCTT. Chị Lương Thúy Hằng, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn đến thời hạn phải cấp đổi giấy phép lái xe, nếu như trước đây phải trực tiếp đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để làm thủ tục thì giờ đây chị đã không phải mất thời gian đi lại, chỉ cần một chiếc máy tính cá nhân có kết nối internet ở tại nhà, thông qua một số thao tác đã được hướng dẫn thì có thể nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến toàn trình. Chị Hằng chia sẻ: Toàn bộ quy trình cấp đổi, đồng bộ các loại giấy tờ có liên quan, nộp phí, lệ phí, tôi đều thực hiện trên môi trường mạng mà không cần đến làm việc trực tiếp. Tôi thấy rất tiện lợi, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức, không cần phải xin nghỉ để đi lại, chờ đợi nhiều lần.

Không chỉ tạo sự hài lòng cho các cá nhân khi thực hiện TTHC, đại diện các tổ chức khi nộp các hồ sơ thủ tục cũng đánh giá cao việc triển khai DVCTT. Chị Lương Huyền Ngọc, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, đại diện Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tôi đại diện cho hội nộp hồ sơ thủ tục “trình báo cáo tổ chức đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường của hội” thông qua DVCTT. Trước đây, khi thực hiện các thủ tục qua DVCTT cho hội tôi còn khá lúng túng trong việc đăng nhập và sao chụp các giấy tờ để nộp, tuy nhiên, được cán bộ bộ phận “một cửa” Sở Nội vụ hướng dẫn, hỗ trợ bây giờ tôi đã thành thạo. Tôi thấy việc nộp qua DVCTT tiện lợi hơn rất nhiều so với việc phải nộp hồ sơ giấy theo cách truyền thống như trước.

Năm 2024 sắp đi qua, với kết quả đạt được có thể coi đây là một năm nhiều nỗ lực trong việc triển khai công tác cải cách TTHC của các cấp cơ quan, đơn vị hành chính trong tỉnh, nổi bật là việc thúc đẩy DVCTT trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Việc triển khai hiệu quả DVCTT góp phần quan trọng vào phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh, đem lại sự hài lòng, tiện ích cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC.

HOÀNG HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/thuc-day-dich-vu-cong-truc-tuyen-dau-an-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-nam-2024-5032323.html