Thúc đẩy DN chế biến gỗ và thủy sản thực hành trách nhiệm xã hội
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM tổ chức hội thảo đánh giá báo cáo về khuyến khích thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chế biến gỗ và thủy sản.
Sáng 27/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Đánh giá báo cáo về khuyến khích và đảm bảo thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) trong ngành chế biến gỗ và thủy sản.”
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Chuỗi cung ứng có trách nhiệm ở châu Á" (RSCA) tại các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều chuyên cho rằng, việc khuyến khích và đảm bảo thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và đạo đức kinh doanh có trách nhiệm (RBC) trong cộng đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững và toàn diện, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế là những hoạt động quan trọng của quốc gia.
Hiện nay, trên thế giới đã có rất nhiều hướng dẫn và công cụ liên quan đến CSR và RBC nhằm giải quyết các khía cạnh khác nhau về tính bền vững như tính minh bạch, môi trường, quyền con người và tiêu chuẩn lao động.
Tuyên bố nguyên tắc ba bên của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về các nguyên tắc liên quan đến doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội (Tuyên bố MNE) cũng đưa ra hướng dẫn cho các doanh nghiệp đa quốc gia, chính phủ và tổ chức của người sử dụng lao động/người lao động trong các lĩnh vực gồm: việc làm, đào tạo, điều kiện làm việc, sinh hoạt và quan hệ lao động.
Theo ông Fredy Guayacan, Cố vấn trưởng dự án RSCA, dự án này nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững và toàn diện qua việc hỗ trợ cách tiếp cận và thực hành CSR, RBC được áp dụng trong chuỗi cung ứng toàn cầu ở châu Á phù hợp với những công cụ quốc tế như Tuyên bố MNE và ILO.
Dự án cũng hướng tới tạo ra môi trường chính sách có lợi cho việc thúc đẩy hành vi có trách nhiệm và tăng cơ hội đối thoại giữa các bên liên quan.
Đặc biệt, một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là góp phần nâng cao năng lực thực hành CSR, RBC dài hạn cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Ông Trần Minh Trí, Điều phối dự án RSCA cho biết, hoạt động sản xuất, thương mại và đầu tư quốc tế được tổ chức ngày càng chặt chẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, khuyến khích thực hành CSR, RBC trong cộng đồng doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là nhà nước và doanh nghiệp cần hiểu rõ vai trò của các bên.
Chính vì vậy, dự án này cung cấp và trang bị cho cán bộ cơ quan nhà nước, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp… thông tin qua nghiên cứu khảo sát thực tiễn, để cùng thúc đẩy thực hành CSR, RBC.
Đồng thời, hỗ trợ xác định mối liên hệ giữa doanh nghiệp đa quốc gia với doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa, hướng đến cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp, giải quyết thách thức trong thực hành CSR, RBC.
Liên quan đến vấn đề thực hành CSR, RBC, ông Lê Văn Bằng, đại diện Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và phát triển nông thôn đề xuất cần tăng cường đào tạo cán bộ chuyên trách, nhân sự CSR, RBC trong doanh nghiệp.
Song song đó, hoàn thiện cơ chế chính sách tạo điều kiện cho chuỗi liên kết hợp tác xã nuôi, doanh nghiệp chế biến, nhà mua hàng… triển khai kết nối với nhau trong việc thực hành CSR, RBC tại Việt Nam.
Cụ thể, giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức vai trò của mình trong thực hành CSR, RBC, có tầm nhìn chiến lược dài hạn cho phát triển bền vững và tạo ra mạng lưới doanh nghiệp tiên phong thực hành CSR, RBC./.