Thúc đẩy doanh nghiệp đồng hành, dẫn dắt kinh tế nông nghiệp

Theo các đại biểu Quốc hội, chúng ta đã chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Đây chính là một đột phá về tư duy và cách làm nông nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu này, doanh nghiệp phải là người đồng hành, dẫn dắt, thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp, góp phần định hình tư duy của nông dân để thực hành kinh tế nông nghiệp.

Chỉ có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Trong ngày thảo luận thứ hai về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Theo ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) một điểm sáng trong năm 2023 là khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 3,38%, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Dù đạt được kết quả tích cực, nhưng đầu tư cho “trụ đỡ của nền kinh tế” vẫn còn nhiều hạn chế, nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều rủi ro, khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, hoặc tiêu thụ ngang, dưới giá thành hoặc liên tục phải “giải cứu”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận) đặt vấn đề, tại sao đất nước có số đông người dân xuất thân từ nông thôn, có kinh nghiệm nhất định về nông nghiệp, có tài nguyên đất đai, khí hậu phù hợp mà chất lượng sản phẩm nông nghiệp lại chưa có sức cạnh tranh lớn, ít mang lại giá trị cao? Tại sao người sản xuất nông nghiệp vẫn có cuộc sống còn nhiều khó khăn?

Đại biểu Quốc hội Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Thực tế, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết 31/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, khung pháp lý tạo thuận lợi cho ngành nông nghiệp đã được quan tâm. ĐBQH Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) dẫn chứng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ – CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19 – NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 150/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch phát triển các tiểu ngành và lĩnh vực. Nhờ đó,sản xuất nông nghiệp có bước chuyển theo hướng chất lượng, giá trị gia tăng, ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo, tạo sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, đúng như các đại biểu phản ánh, quá trình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm. Đại biểu Tạ Minh Tâm thẳng thắn, kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều. Các nút thắt cơ bản của ngành nông nghiệp chưa được giải quyết như: cơ chế, chính sách tích tụ đất đai; đổi mới lại phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, cá thể sang phương thức sản xuất quy mô lớn; cải thiện kết cấu hạ tầng và nâng cao năng lực phát triển khoa học, công nghệ; tốc độ, cũng như năng lực chuyển đổi số thấp so với các ngành khác.Kết nối liên vùng rời rạc, kết nối thị trường chưa thông suốt, chi phí logistics cao, hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán, mở cửa thị trường của ngành nông nghiệp còn nhiều vấn đề đặt ra…

Đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Đáng lưu ý, đại biểu Tạ Minh Tâm chỉ ra, một trong những nhận định của cơ quan quản lý ngành nông nghiệp gửi đến kỳ họp có nêu: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều nghị định thu hút đầu tư, tuy nhiên, đến nay hiệu quả của việc triển khai các nghị định chưa cao, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, để bảo đảm tương xứng với tiềm năng của ngành.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm, theo khảo sát, hiện nay trong hơn 900.000 doanh nghiệp trên cả nước đang hoạt động, thì chỉ có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; doanh nghiệp hoạt động ở vùng nông thôn rất ít, chỉ dưới 10%, còn lại chủ yếu đầu tư vào các cụm, khu công nghiệp, khu đô thị. Vùng nông thôn là khoảng trống cho tư thương thu gom, làm giá. Điều này cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp, vùng nông thôn vẫn đang là bài toán cần lời giải của nhiều địa phương.

Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp nông thôn

Nhấn mạnh, chúng ta đã chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao - Đây chính là một đột phá về tư duy và cách làm nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, để thực hiện được mục tiêu trên, doanh nghiệp phải là người đồng hành, dẫn dắt, thúc đẩy, hoạt động kinh tế nông nghiệp; doanh nghiệp góp phần định hình tư duy của nông dân để thực hành làm kinh tế nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, hiện nay dù có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, nhưng việc tiếp cận chính sách rất khó khăn. Nếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phải trải qua đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thì càng khó thu hút được doanh nghiệp tham gia, trong khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rủi ro cao, chi phí cao, lợi nhuận thấp. Do vậy, cần nghiên cứu xây dựng chính sách phù hợp.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu đề nghị, Chính phủ, các Bộ, ngành cần đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xin phép xây dựng phục vụ sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ cao trên đất nông nghiệp. Thực tế thủ tục này khá vất vả, vì quan điểm cho rằng, “dễ biến đất ruộng thành đất ở”. Bên cạnh đó, “Ngân hàng Nhà nước phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp nông nghiệp, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh vì hiện nay lãi suất ưu đãi còn khá cao so với khả năng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, nên doanh nghiệp không thể vay vốn đầu tư”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.

Quan tâm đến hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đại biểu Tạ Minh Tâm đề xuất, cần sớm ban hành chính sách theo hướng coi các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể, người dân, đầu tư công, quản trị công cộng, có cơ chế hiệu quả thúc đẩy và tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, đánh giá, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện các yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu cơ cấu ngành nông nghiệp làm căn cứ điều chỉnh và hoàn thiện chính sách.

Để Việt Nam có vị trí cao trên bản đồ nông nghiệp thế giới, qua đó góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội đất nước, ngành nông nghiệp, các đại biểu nhấn mạnh, cần sớm hóa giải khó khăn, thách thức nội tại, coi trọng tâm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp nông thôn là chìa khóa của thành công.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/thuc-day-doanh-nghiep-dong-hanh-dan-dat-kinh-te-nong-nghiep-i348365/