Thúc đẩy du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn tại Vườn quốc gia Cúc Phương
Ngày 3/3, Vườn quốc gia Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) tổ chức Hội thảo 'Du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn', nhằm thúc đẩy các hoạt động du lịch và sẻ chia mối quan hệ giữa rừng với cuộc sống.
Ông Đỗ Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ, Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết: “Đây là vườn quốc gia đầu tiên ở Việt Nam thực hiện nhiều sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường; được các tổ chức quốc tế bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á trong nhiều năm liên tiếp".
Thời gian qua, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tổ chức được "hệ sinh thái" du lịch với nhiều sản phẩm giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường, thiên nhiên. Rừng như một “bảo tàng sống”, trở thành ngôi trường lớn, thu hút nhiều thế hệ học sinh, sinh viên tham quan, học tập.
Với chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch theo hướng nâng cao nhận thức về thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; phục vụ nghiên cứu khoa học, tập trung cứu hộ, bảo tồn, Vườn quốc gia Cúc Phương đã nổ lực thực hiện các chương trình: Trồng cây thêm xanh cho cánh rừng già; Hành trình hồi sinh; tổ chức trại hè lớn lên cùng đại ngàn... Đặc biệt, tour du lịch trải nghiệm "về nhà" được các chuyên gia đánh giá là Top 10 du lịch độc đáo tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, du lịch có sự tham gia của cộng đồng được Vườn quốc gia Cúc Phương triển khai đồng bộ, bài bản, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, tạo việc làm, mang lại lợi ích cho cộng đồng vùng đệm”.
Ông Gareth O’Hara, Giám đốc Lữ hành Á Châu khẳng định: "Hằng năm, đơn vị phối hợp Vườn quốc gia Cúc Phương đưa khoảng 1.000 học sinh, sinh viên trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm tại khu vực Động Người Xưa; thăm quan cây cổ thụ, xem chim, thú đêm; chinh phục đỉnh cao Mây Bạc là nóc nhà Cúc Phương; xuyên rừng ngủ bản; trải nghiệm tìm hiểu đời sống, văn hóa, tri thức bản địa và các hoạt động giao lưu văn nghệ... Đó là những trải nghiệm độc đáo chỉ có ở Cúc Phương”.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ nhiều vấn đề chung quanh các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm bền vững; về cứu hộ, bảo tồn thiên nhiên. Đồng thời, kiến nghị ngành chức năng của Trung ương cần đẩy mạnh xây dựng kế hoạch, chính sách bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên; hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm; ngăn chặn tình trạng săn bắn động vật hoang dã.
Vườn quốc gia Cúc Phương cần nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị; có chính sách riêng của vườn đối với các đơn vị hợp tác đưa du khách về tham quan vườn; chú trọng đẩy mạnh truyền thông quảng bá các sản phẩm du lịch, bảo vệ môi trường, cảnh quan vùng đệm.