Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ở Sóc Trăng
Trong những ngày đầu tháng 9/2022, đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dẫn đầu đoàn công tác tỉnh đi kiểm tra tình hình triển khai một số dự án trên địa bàn tỉnh. Tại các điểm đến, đoàn đã nghe các nhà thầu, đơn vị thi công báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án; qua đó đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp yêu cầu các nhà thầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và cam kết thực hiện đúng theo thời gian quy định. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban ngành, các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố nỗ lực tối đa, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Khánh - Giám đốc Ban Quản lý Dự án 1, trong năm 2022, đơn vị được giao triển khai 36 dự án (gồm 11 dự án chuyển tiếp và 25 dự án khởi công mới), với tổng vốn là 849 tỷ 855 triệu đồng. Tính đến cuối tháng 7/2022, tỷ lệ giải ngân của đơn vị thấp hơn tỷ lệ giải ngân đã cam kết và thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh và của cả nước. Còn theo đồng chí Thạch Minh Hoài - Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2, tổng vốn giao năm 2022 cho đơn vị là 1.589 tỷ 546 triệu đồng để thực hiện 18 dự án chuyển tiếp và 22 dự án khởi công mới; tính đến ngày 15/8/2022 đã giải ngân được 504 tỷ 667 triệu đồng, đạt 31,7% so với kế hoạch; ước thực hiện đến ngày 30/9 đạt 60% và cuối năm đạt 100% như đã cam kết.
Không riêng gì Ban Quản lý Dự án 1, Ban Quản lý Dự án 2, tình hình giải ngân vốn đầu tư công do các sở, ngành làm chủ đầu tư cũng đạt tiến độ khá khiêm tốn. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Sóc Trăng trên 4.500 tỷ 725 triệu đồng, kế hoạch tỉnh giao bổ sung 75 tỷ 199 triệu đồng, kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2021 kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2022 là 615 tỷ 795 triệu đồng. Đến ngày 15/8/2022, vốn được Thủ tướng Chính phủ giao giải ngân đạt 33,23% kế hoạch (nếu không tính 270 tỷ 341 triệu đồng vốn kế hoạch đầu tư của 3 chương trình mục tiêu quốc gia vừa được giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 35,35%), vốn tỉnh giao bổ sung giải ngân đạt 30%, vốn ngân sách địa phương năm 2021 kéo dài giải ngân đạt 39,65% kế hoạch…
Theo các đơn vị chủ đầu tư, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng; do thủ tục chủ trương đầu tư; do công tác thống kê, cắm mốc, kiểm đếm, đo đạc, áp giá đền bù còn chậm; trong các tháng đầu năm, các dự án khởi công mới được bố trí vốn phải mất thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu thi công, do đó tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm…
Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, theo đồng chí Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh thì giải pháp của địa phương là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, nâng cao hiệu quả của tổ công tác theo dõi, kiểm tra và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 cấp huyện, cấp tỉnh; lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân có liên quan. Đồng thời, phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh, không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, giải ngân, yêu cầu các nhà thầu xây dựng phương án thi công cụ thể đảm bảo phòng, chống dịch và thực hiện nghiêm lộ trình tiến độ giải ngân đã cam kết. Khẩn trương nghiệm thu các hạng mục đã đến điểm dừng kỹ thuật, lập hồ sơ nghiệm thu, thanh toán gửi đến cơ quan kiểm soát chi.
Cũng theo đồng chí Trần Văn Lâu, địa phương sẽ kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án. Tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Các sở, ngành chức năng tăng cường hơn nữa và đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ thiết kế - dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu... Quá trình thẩm định cần xem xét chặt chẽ toàn bộ hồ sơ. Thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng. Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn đã giao cho các dự án có tiến độ giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung theo quy định, trong đó tập trung ưu tiên điều chuyển cho các dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2022.