Thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Yên Thành
Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) của tỉnh đi vào thực tiễn cuộc sống đã có những tác động tích cực đến sự phát triển KT - XH xã Yên Thành (Quang Bình).
Yên Thành là xã vùng III của huyện Quang Bình, toàn xã có 730 hộ với 3.533 khẩu. Đời sống của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đến 51,2%. Những năm qua, cùng với việc triển khai, cụ thể hóa nhiều chương trình, dự án của T.Ư, tỉnh và huyện, xã đã tận dụng tối đa nguồn lực từ Chương trình CPRP để giảm nghèo cho người dân. Nhờ các chính sách hỗ trợ sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây được tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, dịch vụ xã hội để vươn lên thoát nghèo, dần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa nhân dân các xã trên địa bàn huyện. Tính đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt 35%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 25 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 6%/năm và còn 25,9%.
Trong quá trình triển khai các nội dung, Ban Quản lý chương trình CPRP của xã đã thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền, duy trì họp giao ban và chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên nhóm sở thích (CIG), nhóm tiết kiệm tín dụng (TKTD). Với cách làm bài bản, các hợp phần của Chương trình CPRP được thực hiện thông suốt, hiệu quả, góp phần thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún của người dân sang sản xuất hàng hóa theo định hướng thị trường. Cũng từ đó, các sản phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt cung cấp ra thị trường đúng giá, nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con.
Với tổng vốn đầu tư trên 11 tỷ đồng, từ năm 2015 đến nay, xã Yên Thành đã hình thành và phát triển 18 nhóm CIG, 14 nhóm TKTD. Trong đó, có 7 nhóm CIG sản xuất lúa chất lượng cao đã ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, cơ sở chế biến các sản phẩm từ gạo. Bên cạnh đó, năng suất các loại cây lạc, ngô tăng lên; số lượng đàn dê, trâu, lợn đen, gà xương đen phát triển. Sau khi tham gia vào các nhóm, các thành viên được hưởng lợi “kép” về nguồn vốn vay lẫn kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt và và các biện pháp phòng, trừ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế gia đình.
Song song với đó, Chương trình CPRP đã dành kinh phí xây dựng 8 tuyến đường bê tông, cầu cứng tại 4 thôn: Pà Vầy Sủ, Đồng Tiến, Yên Lập, Yên Thượng. Từ những con đường đất lầy lội, trơn trượt, cách trở vào mùa mưa, bây giờ người dân trong xã đi lại, giao thương buôn bán rất thuận tiện. Bà Hoàng Thị Sinh, Bí thư chi bộ thôn Yên Lập bày tỏ: “Công trình làm đường bê tông nội đồng dài 463 m, rộng 3 m và cầu Bản Thủy từ thôn Yên Lập đi thôn Yên Thượng được hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2020 đã mở ra cuộc sống mới cho chúng tôi. Từ khâu vận chuyển vật liệu xây nhà cho đến vật tư, phân bón phục vụ sản xuất chi phí đều giảm, giá bán các sản phẩm nông nghiệp cao hơn. Đó là tín hiệu mừng để khuyến khích bà con nhân rộng các mô hình kinh tế, làm giàu trong những năm tới”.
Với sự đồng hành của Chương trình CPRP, kết quả giảm nghèo của xã đã tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Với những thành công và bài học kinh nghiệm sâu sắc, để duy trì hiệu quả mục tiêu của chương trình, xã tiếp tục thu hút mọi nguồn lực đầu tư, đặc biệt tạo mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các nhóm CIG, TKTD với doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, mở rộng các ngành hàng tiềm năng trong chăn nuôi, trồng trọt, tăng giá trị hàng hóa cung cấp ra thị trường - Đồng chí Vũ Thành Chung, Chủ tịch UBND xã Yên Thành, khẳng định.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202009/thuc-day-giam-ngheo-ben-vung-o-yen-thanh-764917/