Thúc đẩy giao lưu nhân dân, nâng tầm giá trị phố đi bộ

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm đã trở thành một hình mẫu thành công trong việc khai thác giá trị văn hóa để phát triển kinh tế.

“Những ngày Mátxcơva tại Hà Nội” diễn ra từ ngày 28/11 – 1/12 mà điểm nhấn là chuỗi sự kiện: Lễ hội văn hóa đường phố tại khu đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Chương trình biểu diễn múa Ballet Nga tại Nhà hát Lớn, "Góc Mátxcơva"…

Giữa tháng 11 vừa qua, Quảng trường Italia đã trở lại Hà Nội! Đây là lần thứ 2 “Quảng trường Italia” được tái hiện tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ, trong khuôn khổ “Tuần lễ ẩm thực Italia” được tổ chức trên toàn thế giới, với chủ đề: "Giáo dục ẩm thực lành mạnh - văn hóa vị giác". Đúng như khẳng định của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro, Quảng trường Lý Thái Tổ đã biến thành “Quảng trường Italia” thực sự, đất nước hình chiếc ủng đã mang những gì tốt nhất tới với người dân thủ đô, nơi du khách có cơ hội khám phá nhiều khía cạnh khác nhau của lối sống Italia: cả ẩm thực, âm nhạc, thiết kế, thời trang, điện ảnh, thể thao và nhiều hơn nữa! “Đêm trắng” đầu tiên tại Hà Nội là cơ hội tuyệt vời để người dân và du khách chiêm ngưỡng và trải nghiệm những tinh hoa của nền văn minh lâu đời tại châu Âu - Italia.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước đó, cũng tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ đã diễn ra Lễ hội Kanagawa Nhật Bản với nhiều chương trình giao lưu văn hóa, thương mại nhằm tăng cường sự hiểu biết về tỉnh Kanagawa, các điểm du lịch và doanh nghiệp, góp phần mang nét văn hóa truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản đến gần hơn với người dân, du khách, đồng thời tôn vinh, quảng bá và giao lưu văn hóa, nghệ thuật của hai nước.

Trong cùng ý nghĩa tương tự, Lễ hội văn hóa và ẩm thực Hàn - Việt lần thứ XI đã được tổ chức tại khu vực này từ ngày 8 đến 10/11, với hơn 100 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp lớn đến từ đất nước củ sâm. Đặc biệt hơn, nếu như các lần trước, người tham quan lễ hội chỉ xem và thưởng thức ẩm thực, văn hóa Hàn Quốc thì tại lễ hội lần này, họ được trải nghiệm, tham gia trực tiếp vào lễ hội, thông qua các cuộc thi nấu món ăn món Hàn, thi nhảy… khiến giới trẻ rất hào hứng, tham gia với số lượng đông.

Nhìn vào thời gian biểu của không gian phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm dường như không có tuần lễ “nghỉ ngơi”, luôn kín các sự kiện.

Tất cả xuất phát từ ý tưởng muốn biến Hồ Hoàn Kiếm thành không gian văn hóa, với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật do thành phố tổ chức; đồng thời, tạo điều kiện để tất cả các tổ chức, cá nhân có thể biểu diễn trên phố đi bộ, biến nơi đây thành địa điểm sinh hoạt chung đúng nghĩa của cả cộng đồng. Sau 3 năm đi vào hoạt động, nơi đây đã biến thành không chỉ là điểm hẹn văn hóa - nghệ thuật, mà còn là nơi giao lưu nhân dân giữa thủ đô Hà Nội với bạn bè khắp năm châu - một trong nhiều hoạt động văn hóa, chính trị, kinh tế, đóng góp vào thành tựu chung của quan hệ ngoại giao đất nước.

Chẳng thế, những ngày cuối tuần, lượng khách đổ về đây mỗi ngày thêm đông, chưa kể vào những dịp lễ, tết qua đó, thúc đẩy hoạt động dịch vụ, thương mại trên địa bàn.

Nhờ lượng khách du lịch lưu trú ngay tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh, khiến thu ngân sách nhà nước của quận tăng cao. Nhiều hộ chuyển đổi mô hình kinh doanh sang dịch vụ du lịch. Khách sạn và cơ sở lưu trú cũng gia tăng nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Không dừng lại ở thúc đẩy hoạt động dịch vụ, thương mại trên địa bàn, mà các hoạt động tại không gian phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm đang lan tỏa, kích cầu sang các quận huyện khác của Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Thật không ngoa khi nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm đã trở thành một hình mẫu thành công trong việc khai thác giá trị văn hóa để phát triển kinh tế.

Hà Nguyễn

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thuc-day-giao-luu-nhan-dan-nang-tam-gia-tri-pho-di-bo-95344.html