Thúc đẩy hay làm tê liệt hộ kinh doanh?

Các quy định về Hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của chính hộ kinh doanh và bên có liên quan, thúc đẩy hộ kinh doanh phát huy hết tiềm năng và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế hay tạo ra hàng loạt nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn nội bộ gia đình bố mẹ, anh em?

Sáng 28-11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, dự thảo Luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vào giữa năm tới (2020).

Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi), sáng 28-11-2019. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi), sáng 28-11-2019. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Tại kỳ họp thứ 8 vừa kết thúc, các quy định được ĐBQH quan tâm là về hộ kinh doanh; quản lý con dấu của doanh nghiệp; tổ chức quản trị đối với doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; phát hành riêng lẻ trái phiếu của các công ty không phải là đại chúng…

Liên quan đến việc quản lý con dấu của doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ biên tập dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho biết, có một sự hiểu lầm khá phổ biến là dự thảo Luật mới “bỏ con dấu của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, thực chất dự thảo Luật chỉ bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Sửa đổi này không phải là bãi bỏ hoàn toàn việc sử dụng dấu của doanh nghiệp mà chỉ khẳng định quyền tự quyết của doanh nghiệp trong việc có hoặc không có con dấu, quyết định sử dụng con dấu hay sử dụng phương tiện điện tử khác thay thế (chẳng hạn chữ ký điện tử).

Các ý kiến tại hội thảo đồng tình với nhận định bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu không chỉ có ý nghĩa trong việc cắt giảm chi phí không cần thiết, mà còn giúp doanh nghiệp ý thức rõ ràng hơn trong việc sử dụng con dấu, gia tăng độ an toàn trong giao dịch kinh doanh.

Liên quan đến quy định về hộ kinh doanh, nội dung vừa qua cũng đã được tranh luận khá sôi nổi tại nghị trường kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu khẳng định, hộ kinh doanh không phải là nội dung mới hoàn toàn của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Khoản 2 Điều 212 Luật 2014 (hiện hành) đã quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh có quy mô nhỏ. Dựa trên điều khoản này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có 1 chương quy định về đăng ký hộ kinh doanh.

“Xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, nên quyền và nghĩa vụ của hộ cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng nghị định. Tôi cho rằng, về lâu dài thì cũng có thể xem xét để xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh; nhưng trước mắt nên được điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Nội dung quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật đã được tham vấn nhiều lần và đánh giá tác động kỹ lưỡng. Việc bổ sung quy định về hộ không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay và không làm phát sinh thủ tục hành chính. Các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp. Ngược lại, các quy định về Hộ kinh doanh trong dự thảo Luật sẽ bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của chính hộ kinh doanh và bên có liên quan; thúc đẩy hộ kinh doanh phát huy hết tiềm năng và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế; đồng thời, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng hơn cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Mua bán tại một hộ kinh doanh ở quận 6, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Mua bán tại một hộ kinh doanh ở quận 6, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến không đồng tình việc đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật này.

“Cá nhân tôi không hiểu mục đích đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp để làm gì? Những điều nêu trên trong dự thảo về hộ kinh doanh đang đi ngược lại tinh thần của Luật Doanh nghiệp trong 20 năm qua”, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn nhận xét về việc dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9) đưa các hộ kinh doanh, hiện chiếm tới hơn 30% GDP, vào diện điều chỉnh của Luật này.

Ông Nguyễn Đình Cung, một trong những thành viên chủ chốt tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp hiện hành, người đã có đến 30 năm theo dõi sát sao môi trường kinh doanh cho rằng, thiết kế về hộ kinh doanh như dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi (tại Chương VIIa) tạo ra một loại hình kinh doanh không rõ ràng, thiếu chuẩn mực về mặt pháp lý; chứa đựng trong đó hàng loạt nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn nội bộ gia đình bố mẹ, anh em... Thậm chí, những quy định mới, theo ông, có thể làm tê liệt khu vực kinh tế năng động này.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thuc-day-hay-lam-te-liet-ho-kinh-doanh-631446.html