Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu qua biên giới
Thời gian vừa qua, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước, trong đó có hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới đất liền giữa một số tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc. Do dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc trước đó đã tạm ngừng thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu để phòng ngừa dịch bệnh, dẫn đến tại các cửa khẩu Việt - Trung xuất hiện tình trạng ùn tắc hàng hóa. Mặc dù sau đó, phía Trung Quốc đã cho phép thông quan trở lại, nhưng thực tế tình trạng ùn tắc vẫn tiếp diễn. Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong ngày 14-3, riêng tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn tồn đến 905 xe chở hàng hóa chờ xuất khẩu. Cụ thể, tại Cửa khẩu Hữu Nghị tồn 116 xe chở nông sản, linh kiện điện tử; tại Cửa khẩu Tân Thanh tồn 686 xe chở nông sản, hoa quả đang chờ làm thủ tục xuất khẩu...
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, đồng thời để triển khai hiệu quả chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Bộ Công thương vừa có Chỉ thị khẩn yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai cấp bách nhiều giải pháp. Trong đó, yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị liên quan phối hợp thường xuyên và hiệu quả với Bộ Tài chính để bảo đảm việc thông quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh biên giới để hoạt động thông quan hàng hóa được thuận lợi. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng đã tiến hành điện đàm với Bí thư Ðảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Lộc Tâm Xã và đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm khôi phục hoàn toàn hợp tác kinh tế thương mại, khôi phục chuỗi cung ứng cũng như tạo điều kiện thông quan hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp hai bên. Cụ thể, đề nghị các cơ quan liên quan phía Trung Quốc có các biện pháp tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam như sớm bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền, cũng như qua các tuyến vận tải đường sắt; đưa Lối thông quan cầu Bắc Luân II, thuộc cặp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) - Ðông Hưng (Trung Quốc) vào hoạt động chính thức; mở rộng diện nông sản, trái cây được phép nhập khẩu tại Cửa khẩu đường sắt Bằng Tường; Tổng cục Hải quan Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục pháp lý mở cửa thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi và các loại nông sản khác gồm sản phẩm tổ yến, khoai lang cũng như diện doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc...
Mong rằng, cùng với những chỉ đạo giải pháp quyết liệt từ Chính phủ, sự cố gắng của người dân cùng những nỗ lực của các bộ, ngành, đơn vị chức năng, khó khăn trong hoạt động thương mại qua biên giới Việt - Trung nói riêng cũng như trong hoạt động xuất khẩu nói chung sẽ nhanh chóng được tháo gỡ, tạo điều kiện hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua những thách thức mà dịch Covid-19 gây ra.