Thúc đẩy hợp tác Ấn Độ và châu Âu

Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi vừa thăm ba quốc gia châu Âu trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2022. Diễn ra giữa lúc 'lục địa già' đối mặt nhiều thách thức an ninh và thế giới dồn sức phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyến đi của ông Modi mang theo những thông điệp quan trọng về thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung, của cả Ấn Ðộ và châu Âu.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu với truyền thông trước thềm chuyến công du nước ngoài đầu tiên của năm 2022, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi khẳng định: "Chuyến thăm châu Âu của tôi diễn ra vào thời điểm khu vực này đứng trước những thách thức và sự lựa chọn. Thông qua các cam kết, tôi mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác châu Âu, những người đồng hành quan trọng trong hành trình hướng tới hòa bình và thịnh vượng của Ấn Ðộ". Ba điểm đến trong chuyến thăm châu Âu của nhà lãnh đạo Ấn Ðộ, gồm Ðức, Ðan Mạch và Pháp, đều là các quốc gia có quan hệ đối tác chặt chẽ với Ấn Ðộ và được New Delhi coi là "chìa khóa" để mở rộng cánh cửa hợp tác với châu Âu.

Ðức và Ấn Ðộ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2000. Tuyên bố chung được đưa ra sau buổi hội đàm giữa Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi và người đồng cấp Ðức Olaf Scholz đã khẳng định cam kết hợp tác trong phục hồi kinh tế sau đại dịch, cải thiện cơ sở hạ tầng hydro xanh, củng cố và cải cách chủ nghĩa đa phương để đối phó với các thách thức cả hiện tại và tương lai.

Ðến thăm Ðan Mạch, Thủ tướng Narendra Modi dự Hội nghị cấp cao Ấn Ðộ-Bắc Âu lần thứ 2, cùng những người đồng cấp Ðan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Ðiển. Hội nghị được coi là "cú huých lớn" cho sự hợp tác giữa Ấn Ðộ với khu vực Bắc Âu trong một loạt lĩnh vực giàu tiềm năng, như công nghệ mới nổi, năng lượng sạch, nghiên cứu Bắc cực…

Pháp là đối tác chiến lược của Ấn Ðộ và là nước hiện giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU). Chuyến thăm của Thủ tướng Modi mang ý nghĩa đặc biệt, khi diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ðáng chú ý, chuyến công du châu Âu của ông Modi diễn ra không lâu sau chuyến thăm Ấn Ðộ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng có chuyến công du Ấn Ðộ, với kết quả nổi bật là hai nước nhất trí thúc đẩy để đạt được Hiệp định thương mại tự do Anh-Ấn Ðộ vào cuối tháng 10 tới. Hàng loạt chuyến thăm Ấn Ðộ của các nhà lãnh đạo châu Âu đã phản ánh một thực tế rằng, New Delhi ngày càng đóng vai trò quan trọng và có sức ảnh hưởng lớn.

Có nhiều lý do để EU và Ấn Ðộ gần nhau hơn. Hai bên đang là đối tác kinh tế, thương mại lớn của nhau. Kim ngạch thương mại giữa Ấn Ðộ và EU năm 2020 lên tới 96 tỷ euro. Hiện có 4.500 công ty của EU đang hoạt động tại Ấn Ðộ, góp phần tạo ra hàng triệu việc làm ở quốc gia Nam Á. Ðiều này càng quan trọng trong bối cảnh các nước nỗ lực tận dụng mọi cơ hội để "hồi sinh" nền kinh tế sau đại dịch. Bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19 cùng cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng do ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine, Ấn Ðộ vẫn nổi lên là một "điểm sáng kinh tế" ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Ấn Ðộ dự kiến đạt 8,2%. Ấn Ðộ hiện là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có tiếng nói trên trường quốc tế và cũng là một "mắt xích" quan trọng trong chiến lược Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương của EU.

Những nguy cơ an ninh mới xuất hiện càng đòi hỏi Ấn Ðộ, một nền kinh tế lớn ở châu Á, cùng các quốc gia chủ chốt của EU phát huy vai trò, trách nhiệm vì hòa bình và phát triển. Với các cam kết hợp tác mạnh mẽ và sâu rộng, chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi gửi gắm những thông điệp quan trọng với cả Ấn Ðộ và châu Âu, đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới, góp phần giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới.

LÊ THƯ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/thuc-day-hop-tac-an-do-va-chau-au-695958/