Thúc đẩy hợp tác công - tư trong ngành y tế
Ngành y tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển bền vững. TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, trao đổi về vai trò của hợp tác công - tư và những ưu tiên trong hành trình tiếp theo.
Bà đánh giá thế nào về những nỗ lực của ngành y tế Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe?
Việt Nam đã có những cải thiện hiệu quả về hệ thống chăm sóc sức khỏe trong năm 2023, tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Việt Nam cũng rút ra được nhiều bài học từ Covid-19 để củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Những bài học này gồm: đảm bảo quy trình linh hoạt mua sắm thuốc, vật tư y tế và sản xuất trong nước đối với thuốc, vắc-xin, trang thiết bị y tế chẩn đoán; đảm bảo hệ thống giám sát bền vững các tác nhân gây bệnh đường hô hấp và năng lực giải trình tự gen; tích hợp tiêm chủng Covid-19 vào tiêm chủng thường xuyên và tập trung vào những nhóm có nguy cơ cao nhất; duy trì công tác truyền thông gắn kết cộng đồng và ngăn chặn thông tin sai lệch; xây dựng hệ thống y tế mạnh mẽ hơn, có khả năng chống chịu và rộng hơn là đáp ứng nhu cầu ứng phó khẩn cấp.
Ngoài ra, một số chính sách và điều luật quan trọng đã được củng cố, làm nền tảng vững chắc để cải cách và thúc đẩy tiến bộ trong hệ thống.
Bà có thể nêu cụ thể về thành tựu của nền y tế Việt Nam?
Việt Nam có tiến bộ trong một loạt lĩnh vực ưu tiên kiểm soát các bệnh chính yếu, bao gồm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV và tiến tới loại trừ sốt rét.
Chính phủ cũng thông qua các sáng kiến tiếp theo để cải thiện, phòng ngừa và quản lý các bệnh không lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe của người cao tuổi. Ngoài ra, trong bối cảnh mà Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới tiếp tục phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng của biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến sức khỏe, Chính phủ đã tăng cường cam kết giảm thiểu rủi ro và xây dựng khả năng chống chịu trong ngành y tế...
Mô hình hợp tác công - tư là giải pháp hữu hiệu để phát triển hệ thống y tế bền vững. Để mô hình này thành công, Việt Nam cần những bước đi thế nào, thưa bà?
Vai trò của y tế tư nhân trong chăm sóc sức khỏe đang được củng cố ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Quan hệ đối tác công - tư là mô hình hiệu quả để cung cấp dịch vụ y tế, là một phần của cách tiếp cận tích hợp với hệ thống y tế quốc gia nói chung.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cách tiếp cận tích hợp này phải được quy định chặt chẽ và không thay thế các dịch vụ y tế do khu vực công tài trợ, thay vào đó, cung cấp các phương tiện để mở rộng lựa chọn và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có lợi thế so sánh.
Điều này đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ, bao gồm các cơ chế quản lý, được áp dụng cho cả khu vực công và tư để định hướng phát triển ngành y tế. Các cơ chế như vậy nhằm mục đích đưa ra công cụ, định mức và tiêu chuẩn cần thiết, đòi hỏi cả khu vực công và tư đều phải tuân thủ. Ngoài ra, sự công bằng phải được duy trì để tránh tạo ra một hệ thống hai tầng, nơi mà chỉ những người giàu mới đủ khả năng điều trị và chăm sóc tốt nhất. Trọng tâm của việc bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng và dịch vụ y tế chất lượng cho tất cả mọi người.
Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Việt Nam nên tập trung vào vấn đề gì để phát triển nền y tế theo hướng bền vững?
Hệ thống y tế của Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng, khi mà dân số già hóa nhanh chóng, gánh nặng bệnh tật thay đổi, bao gồm cả làn sóng bệnh không lây nhiễm cũng đang dần gia tăng. Cùng với đó, nền kinh tế phát triển nhanh chóng, tạo ra nhu cầu ngày càng lớn đối với các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Biến đổi khí hậu cũng tác động ngày một nhiều lên các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, như nhiều quốc gia khác, các trường hợp y tế khẩn cấp, bao gồm cả dịch bệnh và thiên tai, sẽ là mối đe dọa luôn hiện hữu.
Vì những lý do này, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, WHO và Bộ Y tế sẽ hợp tác trên 5 lĩnh vực chính, bao gồm: Xây dựng hệ thống pháp luật và quy định mạnh mẽ hơn để hỗ trợ phát triển ngành y tế, hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; Tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu mạnh mẽ hơn, tích hợp hơn, giúp đáp ứng nhu cầu chăm sức khỏe thiết yếu cho tất cả mọi người; Tăng cường năng lực quốc gia về chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó và phục hồi đối với các tình huống khẩn cấp về y tế; Giảm các yếu tố nguy cơ trong bệnh không lây nhiễm và thương tích, thúc đẩy lối sống lành mạnh; Xây dựng ngành y tế có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và bền vững hơn với môi trường, hướng tới giảm tác động của các vấn đề khí hậu và môi trường lên sức khỏe.
Ngoài ra, WHO cùng với các đối tác sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc hướng tới chuỗi cung ứng vắc-xin và thuốc mạnh mẽ hơn để tránh thiếu hụt nguồn cung và chuyển đổi kỹ thuật số, mở rộng năng lực của các dịch vụ y tế.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuc-day-hop-tac-cong---tu-trong-nganh-y-te-d209649.html