Thúc đẩy hợp tác nghị viện giữa Việt Nam với IPU và các nước

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 và tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ, thăm chính thức Morocco và Senegal từ ngày 22 đến 30/7/2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: TTXVN)

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Tulia Ackson và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Morocco Rachid Talbi Alami và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Senegal El Malick Ndiaye, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 và tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ, thăm chính thức từ ngày 22 đến 30/7/2025.

Đây là dịp để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực và có trách nhiệm với hoạt động chung của IPU, thúc đẩy quan hệ hợp tác với IPU-Liên hợp quốc; là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Morocco sau 6 năm, đúng thời điểm hai nước chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026; đồng thời là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Senegal từ năm 1973.

Được thành lập năm 1889, IPU giữ vai trò trung tâm trong hoạt động ngoại giao nghị viện khắp thế giới, hoạt động vì hòa bình, dân chủ, hợp tác giữa các dân tộc và nghị viện các nước. Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, là dịp để các nhà lãnh đạo nghị viện đóng góp vào các chương trình nghị sự của Liên hợp quốc.

Kể từ khi trở thành thành viên của IPU năm 1979, Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại các diễn đàn của Liên minh, nhiều lần giữ các vị trí lãnh đạo trong các cơ chế của IPU.

Những đóng góp của Quốc hội Việt Nam được Ban Thư ký và các thành viên IPU coi trọng, góp phần và thúc đẩy kết nối tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam tại IPU cũng như các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào nỗ lực tăng cường chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế. Thông qua hoạt động tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6, Việt Nam tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ với các nước, các nghị viện thành viên IPU.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ luôn phát triển tích cực. Về chính trị-ngoại giao, hai nước duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế. Tháng 1 năm nay, trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và thăm Thụy Sĩ, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện. Về kinh tế, Thụy Sĩ là đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Âu, với kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 811 triệu USD.

Hợp tác giữa Quốc hội hai nước không ngừng phát triển tốt đẹp, với dấu mốc nổi bật gần nhất là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) Thụy Sĩ Martin Candinas tháng 6/2023. Theo đó, hai bên khẳng định nỗ lực đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Hai bên thường xuyên tham vấn, ủng hộ nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương như IPU, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Morocco được thiết lập năm 1961, đạt nhiều thành tựu hợp tác trong các lĩnh vực. Hai bên tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, IPU. Hợp tác kinh tế tập trung vào lĩnh vực thương mại với kim ngạch song phương tăng đều hằng năm, từ 169,2 triệu USD năm 2017 lên hơn 300 triệu USD năm 2024, trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 290 triệu USD, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, cà-phê, hạt điều, dệt may… và nhập khẩu thức ăn gia súc, phân bón. Hợp tác giữa Quốc hội hai nước phát triển tốt đẹp. Với sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam trong vai trò Chủ tịch Liên minh Nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) 2020, Quốc hội Morocco đã được kết nạp làm Quan sát viên AIPA tháng 9/2020.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1969, quan hệ hữu nghị Việt Nam-Senegal được duy trì tốt đẹp. Trao đổi thương mại giữa hai nước tiến triển tích cực, đạt 81,16 triệu USD năm 2024, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 43,91 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đạt 43,3 triệu USD. Về nông nghiệp, giai đoạn 1997-2005, Việt Nam cử hơn 100 lượt chuyên gia, kỹ thuật viên nông nghiệp sang làm việc tại Senegal theo Chương trình hợp tác nông nghiệp ba bên do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, được FAO và Senegal đánh giá cao. Hợp tác giữa Quốc hội hai nước được thực hiện thông qua các cơ chế đa phương như IPU, APF và tại các hội nghị đa phương do Quốc hội Việt Nam tổ chức.

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là bước triển khai tích cực đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam. Việc Việt Nam tham dự Hội nghị ở cấp cao nhất thể hiện cam kết mạnh mẽ của nước ta đối với chủ nghĩa đa phương, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong các diễn đàn nghị viện đa phương; nhấn mạnh những đóng góp tích cực, thực chất của Việt Nam đối với các hoạt động của IPU và Liên hợp quốc thông qua tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế; thể hiện trách nhiệm và vai trò của cơ quan lập pháp Việt Nam trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 và tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ, thăm chính thức Morocco và Senegal của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Thụy Sĩ, nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối giữa Thụy Sĩ và ASEAN; khẳng định Việt Nam luôn đề cao quan hệ hữu nghị, trong đó có hợp tác nghị viện, với các nước bạn bè châu Phi, bao gồm Morocco và Senegal; thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tăng cường kết nối, mở ra những chương mới trên chặng đường hợp tác với các nước.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-hop-tac-nghi-vien-giua-viet-nam-voi-ipu-va-cac-nuoc-post895344.html