Thúc đẩy hợp tác Nhật Bản - Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh sau dịch bệnh Covid-19
Sáng 15.2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường Chính sách công - Đại học Tokyo (GraSPP) tổ chức Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề 'Thúc đẩy hợp tác Nhật Bản - Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh sau dịch bệnh Covid-19'.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Viện trưởng CIEM TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, trong những năm qua, Nhật Bản giữ vững vị trí là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hợp tác kinh tế song phương ngày càng đi vào chiều sâu, có những bước phát triển thực chất và ngày càng được tăng cường, mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, năm 2021, Nhật Bản và Việt Nam đã ký kết hợp tác về tăng trưởng các bon thấp giai đoạn 2021-2030. Nhật Bản đã và đang tiến hành hỗ trợ toàn diện quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam thông qua “Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI)”.
Đồng tình với quan điểm đó, GS. Toshiro Nishizawa, Đại học Tokyo (GraSPP) cũng chia sẻ, điều đáng mừng, trong xu hướng đó, Việt Nam - Nhật Bản đã liên tục gia tăng hợp tác hữu nghị gắn với các nội dung phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam - Nhật Bản luôn là đối tác chiến lược…
Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung trao đổi, phân tích về những xu hướng và diễn biến mới trong nước và quốc tế cùng với những động lực thúc đẩy nỗ lực tăng trưởng xanh ở Việt Nam, và thảo luận định hướng và khuyến nghị nhằm tăng cường hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng tới tăng trưởng xanh sau dịch bệnh Covi-19; cơ hội và thách thức đối với tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030...
Theo các chuyên gia, trong những năm qua, thế giới đã và đang chứng kiến những xu hướng lớn về địa chính trị, Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, biến đổi khí hậu... Cách thức nhìn nhận đối với phát triển bền vững đã có sự chuyển biến sâu sắc về chất, gắn với cam kết chính trị mạnh mẽ. Những diễn biến phức tạp, khó lường và hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 càng buộc các nền kinh tế phải hành động nhanh và quyết liệt hơn hướng tới chuyển đổi xanh, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.
Đặc biệt, các nền kinh tế đã nhìn nhận yêu cầu phải nỗ lực nhiều hơn. Một loạt các cam kết quan trọng đã được các nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế đang phát triển, đưa ra tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu vào các năm 2021 và 2022 (COP26 và COP27). Bên cạnh đó là các khung khổ, chương trình hành động gắn với cải cách cơ cấu và phục hồi xanh, phát triển kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh, kinh tế tuần hoàn,... trong khung khổ APEC, ASEAN.
TS. Trần Thị Hồng Minh nhận định, là một nền kinh tế đang phát triển và có độ mở cao, Việt Nam cũng hứng chịu không ít tác động trực tiếp và gián tiếp từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa, và công nghiệp hóa, trong khi còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống sang cách tiếp cận đa chiều, hiện đại, kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước…
Các chuyên gia cũng cho rằng, là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam rất chủ động đề ra nhiều giải pháp thích ứng, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam rất tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng xanh. Trong đó, hợp tác với Nhật Bản nói chung và hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực tăng trưởng xanh nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng trong hợp tác với Nhật Bản, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư, xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng bền vững, phát triển nguồn nhân lực.