Thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực dân sự, thương mại
Ngày 17/11, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN 'Kinh nghiệm quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH)' với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các nước trong khu vực ASEAN và hỗ trợ các nước thành viên ASEAN cùng đẩy mạnh nghiên cứu, gia nhập các thiết chế đa phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại.
Diễn đàn được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hơn 80 đại biểu trong nước và quốc tế.
Tham dự Diễn đàn có đại diện Ban thư ký ASEAN và các quốc gia thành viên ASEAN, các chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Tổng thư ký Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế Christophe Bernasconi, đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và một số đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội.
Các đại biểu trong nước gồm đại diện của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các trường đại học luật, cơ sở nghiên cứu, một số tòa án, cơ quan thi hành án dân sự các tỉnh phía bắc.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự liên kết, hội nhập trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN với bên ngoài không ngừng được tăng cường và mở rộng, các vấn đề pháp lý có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng về số lượng, các nước thành viên ASEAN cần phải nghiên cứu, tham khảo các khuôn khổ quốc tế khác, đặc biệt là Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và các công ước khác về tư pháp quốc tế của tổ chức này.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam là một trong những quốc gia chủ động, tích cực nghiên cứu các cơ chế, khuôn khổ quốc tế khác nhau về tư pháp quốc tế như UNCITRAL, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, UNIDROIT, IDLO… và các điều ước quốc tế khác về tư pháp quốc tế để từ đó đánh giá khả năng tham gia phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nhiều nước trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế. Đi cùng với đó là tăng cường công tác nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên luật và cán bộ pháp luật và tư pháp về các chủ đề của tư pháp quốc tế đương đại. Những nỗ lực trên đây của Việt Nam đã đem lại nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong việc tăng cường hiểu biết về tư pháp quốc tế, giải quyết hiệu quả hơn các vụ việc dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài.
"Thông qua Diễn đàn này, các nước ASEAN sẽ có thêm các thông tin bổ ích để cùng nhau suy nghĩ, bàn cách thúc đẩy, tăng cường sự hợp tác về tư pháp quốc tế, tương trợ tư pháp trên phạm vi toàn cầu và trong khu vực ASEAN, cũng như là hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tư pháp quốc tế của mình", Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh, đây là một cơ hội mới để củng cố đối thoại chính sách giữa các nước về cải cách pháp luật và tư pháp ở cấp khu vực ASEAN, vốn là ưu tiên hàng đầu của EU. Ông chia sẻ thêm, trong xu hướng thế giới ngày càng kết nối, các cá nhân và doanh nghiệp thường xuyên tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, các quốc gia cần hợp tác và hỗ trợ pháp lý lẫn nhau để giải quyết các tranh chấp dân sự và thương mại quốc tế. Ông hy vọng các đề xuất được đưa ra tại Diễn đàn sẽ hữu ích cho các quốc gia ASEAN phê chuẩn Công ước.
Tại Diễn đàn, Tổng thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế giới thiệu tổng quan về Hội nghị, các công ước của Hội nghị và tình hình hợp tác của các nước ASEAN trong việc gia nhập các công ước của Hội nghị và tình hình hợp tác của các nước ASEAN trong việc gia nhập các công ước, báo cáo của một số nước ASEAN trong việc nghiên cứu gia nhập các công ước, báo cáo của một số nước ASEAN trong việc nghiên cứu gia nhập Hội nghị La Hay cũng như việc tham gia và thực thi Công ước Tống đạt, Công ước Thu thập chứng cứ.
Chuyên gia của các nước thành viên hai công ước trên gồm Hoa Kỳ, Thụy Sĩ và Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm, những thuận lợi và thách thức trong việc gia nhập và thực thi các công ước.
Các đại biểu đã dành thời gian trao đổi về những khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, gia nhập và thực thi các công ước trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt những tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với công tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.