Thúc đẩy hợp tác, tăng cường kết nối, giải quyết các thách thức chung
Chiều 06/7 (giờ địa phương), tại Rio de Janeiro, Brazil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và có phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận cấp cao BRICS mở rộng về 'Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính và trí tuệ nhân tạo'; đồng thời có các cuộc hội kiến, tiếp xúc với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế dự Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao BRICS mở rộng về "Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính và trí tuệ nhân tạo". Ảnh: CP
3 đề xuất quan trọng tại Phiên thảo luận cấp cao BRICS mở rộng
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò và đóng góp của các nước phương Nam trong quản trị toàn cầu; khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp tại các cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường kết nối, giải quyết các thách thức chung, hướng tới xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn.
Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động, niềm tin vào các thể chế toàn cầu bị xói mòn, niềm tin hợp tác đa phương bị suy giảm, niềm tin luật pháp quốc tế bị lung lay, các nước cần tiếp tục đề cao đoàn kết, tăng cường hợp tác và đối thoại nhằm xử lý các thách thức với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện, bao trùm. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đưa ra ba đề xuất quan trọng, thiết thực.
Thứ nhất, BRICS và các nước phương Nam cần tiên phong làm sống động lại hợp tác đa phương, kiên trì đối thoại, hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. BRICS cần tham gia tích cực thúc đẩy cải cách các thể chế toàn cầu như Liên hợp quốc, IMF, WB, WTO theo hướng đáp ứng thực tế và nhu cầu của các nước đang phát triển, tăng cường hợp tác Nam - Nam, đẩy mạnh kết nối, xây dựng lòng tin và hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Quang cảnh Phiên thảo luận cấp cao về chủ đề: Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính và trí tuệ nhân tạo. Ảnh: CP
Thứ hai, tiên phong trong thúc đẩy tự do hóa thương mại, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia. Để nâng cao tự chủ chiến lược, BRICS và các nước phương Nam cần tăng cường mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng, huy động và chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án y tế, giáo dục, hạ tầng số, chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, tiên phong phát huy sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ con người, chứ không thay thế con người. BRICS cần cùng các cơ chế đa phương thúc đẩy xây dựng hệ thống quản trị AI toàn cầu công bằng, an ninh, an toàn, dễ tiếp cận. Xây dựng hệ sinh thái AI tuân thủ các giá trị đạo đức, cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và lợi ích xã hội. Hợp tác xây dựng hạ tầng số, các trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn xanh và hiệu năng cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các chương trình AI vì cộng đồng, giúp mọi người dân tiếp cận và hưởng lợi từ AI.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ cùng cộng đồng quốc tế không ngừng phấn đấu, đoàn kết và nỗ lực để xây dựng một hệ thống quản trị toàn cầu bình đẳng, bao trùm và bền vững.
Bài phát biểu của Thủ tướng đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về tăng cường hợp tác đa phương, nâng cao vai trò của các nước đang phát triển trong hệ thống quản trị toàn cầu, khẳng định cam kết và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, được nhiều nước hoan nghênh, bày tỏ đồng tình và đánh giá cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến với Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz Canel. Ảnh: CP
Việt Nam - Cuba nhất trí triển khai thường xuyên các cơ chế đối thoại, hợp tác song phương
Tại cuộc hội kiến với Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz Canel, trong bầu không khí thắm tình hữu nghị, Thủ tướng Chính phủ đã trân trọng chuyển lời thăm hỏi thân thiết của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và của cá nhân tới đồng chí Đại tướng Raul Castro, đồng chí Miguel Diaz Canel và các đồng chí Lãnh đạo cấp cao Cuba.
Thủ tướng cũng chuyển lời của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam mời đồng chí Miguel Diaz Canel, Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba sang thăm và tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/2025).
Thủ tướng nhấn mạnh luôn quan tâm chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam triển khai tích cực các thỏa thuận, cam kết cấp cao đạt được trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 9/2024, nhất là về an ninh lương thực, năng lượng tái tạo, dược phẩm và công nghệ sinh học.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhất quán ủng hộ Cuba, yêu cầu chấm dứt bao vây cấm vận và đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia được cho là tài trợ khủng bố.
Hai bên nhất trí cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, triển khai thường xuyên các cơ chế đối thoại, hợp tác song phương gồm tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, Ủy ban liên Chính phủ, Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, Đối thoại chính sách quốc phòng nhằm rà soát, thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai các hoạt động phong phú kỷ niệm 65 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (2/12/1960 - 2/12/2025), Năm Hữu nghị Việt Nam - Cuba để góp phần giáo dục thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ hữu nghị đặc biệt, đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc.
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất trí phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Hợp tác Nam - Nam, Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latin (FEALAC).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: CP
Việt Nam và Nam Phi còn nhiều dư địa làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện
Tại cuộc hội kiến Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi Nam Phi là đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Châu Phi, đánh giá cao vị thế, uy tín của Nam Phi trên trường quốc tế và khu vực, trong đó có việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20 trong năm 2025, đồng thời mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ "Đối tác vì hợp tác và phát triển" giữa Việt Nam và Nam Phi.
Thủ tướng cho rằng Việt Nam và Nam Phi còn nhiều dư địa để bổ trợ lẫn nhau và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân, từ đó tạo đà nâng quan hệ lên tầm cao mới.
Thủ tướng cảm ơn Nam Phi đã mời Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và trân trọng mời Tổng thống Nam Phi sớm thăm Việt Nam.
Hai bên trao đổi về những định hướng lớn để phát triển quan hệ, nhất trí cùng nhau nghiên cứu ký kết các thỏa thuận, khuôn khổ pháp lý nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, quốc phòng - an ninh, đồng thời nghiên cứu khả năng mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng khác như năng lượng, khai khoáng, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo đã cùng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, khẳng định cam kết chung về thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy hợp tác Nam - Nam.

Thủ tướng tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: CP
Thủ tướng tiếp xúc lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế
Cũng trong ngày 06/7 (giờ địa phương), nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus; tiếp lãnh đạo Tập đoàn Embraer; làm việc với Lãnh đạo Công ty Granja Fujikura - trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại Brazil, thuộc hệ thống Granja Fujikura có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Đồng thời, Thủ tướng đã có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế dự Hội nghị: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Uzbekistan Sodiq Solihovich Safoyev, Phó Tổng thống Uganda Jessica Rose Epel Alupo, Trưởng đoàn Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov và Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: CP
Đáng lưu ý, tại cuộc tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, Thủ tướng chia sẻ Việt Nam đang tập trung xây dựng hệ thống y tế cơ sở, chú trọng hơn vào công tác giúp người dân phòng bệnh, chuyển trạng thái từ tập trung cho khám chữa bệnh, điều trị bệnh sang chủ động bảo vệ, nâng cao và duy trì sức khỏe cho người dân.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn theo dõi sát và thường xuyên tham khảo các khuyến nghị của WHO và các tổ chức quốc tế khác về tình hình dịch bệnh trên thế giới thời gian qua.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị WHO tiếp tục phát huy vai trò, đi đầu trong nghiên cứu tình hình bệnh và dịch bệnh, đưa ra đánh giá, cảnh báo kịp thời, đồng thời thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế và phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng đề nghị WHO cử chuyên gia giúp tư vấn cho Việt Nam hoàn thiện thể chế chính sách, phát triển hệ thống y tế cơ sở, cải thiện môi trường, sinh hoạt của người dân, tạo chuyển biến hơn nữa cho phát triển y tế cộng đồng bền vững./.