Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Nhật Bản phát triển giao thông bền vững
Bộ GTVT và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản hội đàm song phương tại Hà Nội, thống nhất thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng giao thông bền vững.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án
Sáng nay (19/12), tại Hà Nội đã diễn ra Hội đàm song phương giữa Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy dẫn đầu và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT) do Thứ trưởng Uehara Atshushi dẫn đầu về hợp tác hai bên lĩnh vực GTVT.
Tại hội đàm, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của phía Nhật Bản trong việc tổ chức hai Hội thảo về phát triển cơ sở hạ tầng đã diễn ra vào ngày 18/12/2023 tại Hà Nội. Hai hội thảo đã thành công tốt đẹp, đóng góp rất lớn vào mối quan hệ hợp tác giữa hai Bộ nói riêng và hai nước nói chung nhằm kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023).
Thứ trưởng nhấn mạnh buổi hội đàm song phương giữa hai Bộ ngày hôm nay có ý nghĩa đặc biệt nhằm điểm lại hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực GTVT thời gian qua, đề xuất các hợp tác trong thời gian tới trong bối cảnh hai nước vừa thiết lập mối quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện".
Thứ trưởng Uehara Atshushi bày tỏ vui mừng cuộc hội đàm song phương cấp Bộ đầu tiên đã được khởi động lại sau đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội đáng quý để hai bên có thể trao đổi cụ thể nhiều chương trình, nội dung hợp tác đang triển khai cũng như có thể xúc tiến sắp tới.
"Hai Bộ đại diện hai Chính phủ Việt Nam, Nhật Bản trong thúc đẩy hợp tác hai nước lĩnh vực GTVT. Vì vậy, chúng tôi mong rằng tại hội đàm, hai bên sẽ trao đổi chi tiết các vướng mắc, khó khăn tại các dự án đang triển khai nhằm tìm giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ. Cùng đó, trao đổi về các nội dung, dự án có thể hợp tác thời gian tới", Thứ trưởng Uehara Atshushi nói.
Hai bên đã thẳng thắn trao đổi các thông tin về tình hình triển khai, các khó khăn trong triển khai hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản tại một số dự án hạ tầng giao thông cụ thể.
Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên hiện do UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản, kế hoạch đặt ra là hoàn thành công tác thi công xây dựng và tiến hành chạy thử trên toàn tuyến vào quý IV/2023. Tuy nhiên, dự án còn một số hạng mục đang vướng mắc: Thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND TP.HCM; giải phóng mặt bằng khu vực cầu đi bộ và lối thoát hiểm tại các nhà ga thuộc dự án, chủ yếu thuộc khu vực nhà ga Bến Thành; tiến độ thi công nhà điều hành và nhà quản lý O&M của dự án; thanh toán các chi phí dừng chờ cho các nhà thầu Nhật Bản...
Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành: Gói thầu J2 khởi công từ tháng 10/2014 và hoàn thành vào tháng 7/2017, Gói thầu J1 (thi công cầu Bình Khánh) khởi công từ tháng 4/2016, sản lượng đến nay đạt 77,6%; Gói thầu J3 (thi công cầu Phước Khánh) khởi công tháng 1/2016, sản lượng đến nay đạt 80,7%. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế chính sách, từ tháng 1/2019 đến tháng 11/2022, dự án không được giao vốn ODA; ngoài ra Gói J3 có tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư...
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy bày tỏ chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc của các nhà thầu Nhật Bản tại Việt Nam trong triển khai các dự án cơ sở hạ tầng sử dụng ODA Nhật Bản. Thứ trưởng thông tin lãnh đạo Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan giải quyết các khó khăn vướng mắc của các nhà thầu Nhật Bản tại các dự án này.
Khẳng định Bộ GTVT quyết tâm thúc đẩy các dự án, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thông tin cụ thể hướng giải quyết vướng mắc, khó khăn. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc, phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, UBND TP.HCM, các cơ quan liên quan, nhà thầu, tư vấn... nhằm tháo gỡ kịp thời để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Tăng cường hợp tác phát triển hạ tầng giao thông bền vững
Nhằm thúc đẩy các chương trình hợp tác hai bên lĩnh vực hàng không, cảng biển, hai bên đã trao đổi cụ thể về nội dung đã, đang triển khai và phương hướng thời gian tới.
Cụ thể một số dự án, đề xuất: Dự án hợp tác kỹ thuật xây dựng hướng dẫn kỹ thuật quản lý tiếng ồn để phát triển bền vững ngành hàng không tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, mục tiêu hướng tới xây dựng sân bay thân thiện môi trường (Eco-Airport); Đề xuất Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khảo sát, xây dựng các dự thảo tiêu chuẩn kỹ thuật kết cấu nền đường cất hạ cánh, sân đỗ tại các cảng hàng không sân bay.
Lĩnh vực cảng biển, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, phổ biến bộ Tiêu chuẩn quốc gia cảng biển và đào tạo nâng cao năng lực quản lý, khai thác, bảo trì công trình cảng biển Việt Nam, sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án triển khai trong giai đoạn 2022-2026.
Hai bên cũng đã thống nhất cần thiết ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác toàn diện giữa Bộ GTVT và Bộ MLIT giai đoạn tới. Biên bản ghi nhớ hiện nay đã được ký năm 2010, đến nay một số nội dung hợp tác đã không còn phù hợp, vì vậy hai bên đang xây dựng thỏa thuận hợp tác toàn diện mới, dự kiến ký trong năm 2024 nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ MLIT.
Về cơ chế trao đổi, hợp tác hai Bộ thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đề nghị Hội thảo thường niên giữa hai Bộ về lĩnh vực đường bộ 10 năm 2009-2019 đã đạt hiệu quả tốt, qua đó hỗ trợ Việt Nam trong phát triển, quản lý, vận hành các dự án đường bộ nói chung, đường cao tốc nói riêng. Vì vậy, thời gian tới đề xuất giao cấp cục quản lý chuyên ngành đường bộ tổ chức và hội thảo thường niên cấp Bộ sẽ về lĩnh vực đường sắt, lựa chọn chủ đề phù hợp mỗi năm.
Kết thúc hội đàm, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đề xuất phía Nhật Bản xem xét, hỗ trợ Việt Nam một số nội dung nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác trong lĩnh vực GTVT giữa hai nước thời gian tới.
Cụ thể, tiếp tục hỗ trợ Bộ GTVT trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt và đường sắt tốc độ cao; Tiếp tục hỗ trợ kĩ thuật nhằm triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác hai bên lĩnh vực hàng không, cảng biển; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án đang hợp tác triển khai...
"Phía Bộ GTVT Việt Nam mong muốn Bộ MLIT báo cáo Chính phủ Nhật Bản dành hỗ trợ phía Việt Nam triển khai một số dự án cơ sở hạ tầng chiến lược trong tương lai sử dụng nguồn vốn ODA thế hệ mới của Nhật Bản như dự án đường sắt tốc độ cao, dự án cầu Cần Thơ 2", Thứ trưởng Huy bày tỏ, đồng thời cho biết Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, xin ý kiến các cơ quan liên quan, trao đổi với phía Bộ MLIT để đi đến thống nhất nội dung biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện hai bên và có thể tiến hành ký kết vào năm 2024.
Khẳng định ủng hộ các đề xuất của Bộ GTVT, Thứ trưởng Uehara Atshushi cho biết, Bộ MLIT sẽ báo cáo Chính phủ về nội dung cuộc hội đàm, trong đó có đề xuất của phía Bộ GTVT; Đồng thời thông tin đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản để mở rộng cơ hội hợp tác hơn nữa.
Hai bên thống nhất tăng cường trao đổi, thực hiện cơ chế thông tin ba bên: Bộ GTVT, Bộ MLIT và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhằm thông tin kịp thời, hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đưa các hợp tác hai nước lĩnh vực GTVT hiệu quả hơn nữa.