Thúc đẩy kết nối du lịch và điện ảnh: Làm sao lợi cả đôi đường

Sau nhiều năm, việc kết nối nhằm thúc đẩy phát triển điện ảnh và du lịch đang được nhiều địa phương tích cực, chủ động 'nhập cuộc'. Nhiều sự kiện điện ảnh đang dần được xây dựng thành 'thương hiệu' riêng của địa phương, trở thành cơ hội để quảng bá du lịch. Tuy nhiên, đến nay, việc quảng bá du lịch qua điện ảnh, thu hút nhà sản xuất, người làm phim vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở của không riêng địa phương nào.

Quảng bá hiệu quả, hút khách nhờ… phim

Sau Hà Nội với Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Đà Nẵng với Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng, Nha Trang – Khánh Hòa trở thành địa chỉ mới cho Giải Cánh Diều Vàng, mới đây nhất, Bình Định cũng rộn ràng với chuỗi chương trình xúc tiến, quảng bá, thu hút các nhà làm phim – “Du lịch, điện ảnh và thể thao – Tự hào bản sắc Việt”. Hoạt động thúc đẩy kết nối để phát triển cả du lịch và điện ảnh còn được gửi gắm nhiều kỳ vọng hơn nữa khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rục rịch triển khai sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch, điện ảnh lớn tại Mỹ nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nhà làm phim quốc tế đến Việt Nam.

Thực tế, những kỳ vọng về sự kết nối điện ảnh, du lịch theo chiều hướng có lợi cho sự phát triển của cả hai lĩnh vực này trong bức tranh chung của công nghiệp văn hóa hiện nay đã được củng cố bằng nhiều kết quả từ thực tiễn thời gian qua. Theo bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, do có lợi thế hình ảnh về một mảnh đất có thiên nhiên kỳ vĩ, giàu văn hóa dân tộc và có nhiều kiến trúc truyền thống độc đáo, Hà Giang luôn được ưu tiên lựa chọn cho nhiều đoàn làm phim trong nước và quốc tế. Hà Giang từng là bối cảnh cho nhiều bộ phim nổi tiếng như: "Chuyện của Pao", "Lặng yên dưới vực sâu", "Cha cõng con", "Mặt trời đỏ"…

Trong đó, bộ phim "Chuyện của Pao" (đạo diễn Ngô Quang Hải) được quay tại xã Sủng Là, huyện Đồng Văn đoạt 4 giải Cánh Diều Vàng không chỉ bởi nội dung mà còn là những cảnh phim đầy chất thơ về khung cảnh hùng vĩ, gai góc nơi núi rừng Hà Giang. Sau khi bộ phim này được công chiếu nhăm 2006, địa điểm quay phim đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Hai thập kỷ trôi qua nhưng phim trường "Ngôi nhà của Pao" vẫn luôn là điểm đến của nhiều du khách trong hành trình khám phá Hà Giang. Năm 2015, bộ phim "Cha cõng con" của đạo diễn Lương Đình Dũng được giới thiệu tới khán giả. Một số bối cảnh đắt giá của bộ phim được lấy bối cảnh đỉnh đồi Minh Ngọc và dòng sông Gâm tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Các chuyên gia đánh giá bối cảnh này đã góp phần tạo nên thành công về mặt hình ảnh cho cả bộ phim.

Bước sang năm 2017, một Hà Giang kỳ vĩ lại vinh dự xuất hiện trong 2 bộ phim nổi tiếng là "Bầu trời đỏ" của đạo diễn Olivier Lorelle (Pháp) và "Lặng yên dưới vực sâu" của đạo diễn Đào Duy Phúc, hay mới đây nhất là bộ phim “Kẻ ăn hồn”, “Tết ở làng địa ngục” của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Sau thành công của các bộ phim, nhiều địa điểm, kể cả những ngôi làng cổ vốn được bao phủ quanh năm bởi sương mù đã trở thành điểm du lịch khám phá, thu hút nhiều du khách ghé thăm…

Tuy nhiên, Hà Giang vẫn là viên ngọc quý còn thô sơ. Dù là địa phương có cảnh quan thiên nhiên đẹp và văn hóa dân tộc đa dạng nhưng Hà Giang vẫn chưa thu hút được nhiều đoàn làm phim nước ngoài đến sản xuất. Hiện tại, Hà Giang vẫn đang có nhiều biện pháp nhằm phát huy lợi thế này, tạo đà để Hà Giang trở thành “điểm hẹn phim trường” của các đoàn làm phim Việt Nam và quốc tế…

Đà Lạt trong phim "Taxi, em tên gì". Ảnh: Viện Phim Việt Nam.

Đà Lạt trong phim "Taxi, em tên gì". Ảnh: Viện Phim Việt Nam.

Cần nhiều giải pháp tích cực để đẩy mạnh quảng bá du lịch qua điện ảnh

Câu chuyện của Hà Giang không hẳn là cá biệt so với nhiều địa phương khác trên cả nước như Đà Lạt, Phú Yên… trong kết nối du lịch, điện ảnh thời gian qua. Soi chiếu riêng dưới góc độ của các bộ phim nước ngoài quay tại Việt Nam, TS Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cũng cho hay, vào đầu những năm 1990, khi ba bộ phim truyện của Pháp, gồm: “Điện Biên Phủ”; “Đông Dương” và “Người tình” quay tại Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích, trong đó có du lịch.

Những bộ phim của nước ngoài chọn những bối cảnh độc đáo, đặc sắc của đất nước, qua đó giới thiệu với khán giả thế giới và cả người xem trong nước hình ảnh thiên nhiên kỳ vĩ, tươi đẹp của đất nước ta, nền văn hóa đa dạng, độc đáo và đậm đà bản sắc các dân tộc Việt Nam, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam không chỉ đối với du khách quốc tế mà cả du khách nội địa. Tuy nhiên, ông Tình cũng cho rằng, để thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam làm phim góp phần thúc đẩy du lịch hơn nữa thì chúng ta cần giải quyết thấu đáo hơn nhiều vấn đề như cải tiến quy trình, thủ tục xét duyệt kịch bản thông thoáng, nhanh hơn, có chính sách hỗ trợ tài chính đối với các nhà làm phim…

Về vấn đề quảng bá du lịch qua điện ảnh, Cục Du lịch quốc gia cũng khẳng định, điện ảnh là một trong những kênh quảng bá hiệu quả, giới thiệu hình ảnh, tạo ấn tượng, cảm nhận tích cực cho người xem. Nhiều địa điểm quay phim trở thành yếu tố thu hút khách du lịch đến tham quan. Nhiều chương trình tham quan phim trường, tham quan điểm đến là cảnh quay ấn tượng trong phim đã trở thành sản phẩm du lịch, thu hút nhiều khách đến du lịch.

Thời gian qua, Cục Du lịch quốc gia, Cục Điện ảnh, các sở quản lý du lịch địa phương đã triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến du lịch qua điện ảnh. Các hoạt động này đang dần mang lại hiệu quả. Những đạo diễn, nhà sản xuất phim không chỉ lồng ghép quảng bá sản phẩm, dịch vụ cụ thể mà đã lựa chọn, đưa vào phim hình ảnh địa danh tươi đẹp, nổi trội với mục đích quảng bá, xúc tiến điểm đến các địa phương, vùng miền Việt Nam rõ ràng hơn. Những doanh nghiệp, người làm du lịch đã chủ động kết nối, mời chào những đạo diễn tên tuổi, nhà sản xuất có tiềm lực đến làm phim, quảng bá cho du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là hoạt động xúc tiến du lịch qua điện ảnh vẫn chưa có định hướng rõ ràng, chưa có sự nghiên cứu, đánh giá đầy đủ tiềm năng, ảnh hưởng của điện ảnh đối với công tác xúc tiến du lịch, từ đó có sự đầu tư thích đáng cho hoạt động xúc tiến du lịch qua điện ảnh. Trong thời gian tới, hoạt động này cần được xem là một kênh xúc tiến du lịch chính thức, đưa vào chương trình xúc tiến du lịch quốc gia để tạo động lực, dẫn dắt hoạt động xúc tiến du lịch điện ảnh các địa phương.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/thuc-day-ket-noi-du-lich-va-dien-anh-lam-sao-loi-ca-doi-duong-i743321/