Thúc đẩy khát vọng làm giàu từ nông nghiệp

Được tổ chức tại TP Đà Lạt trong khuôn khổ Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc và trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVII, vòng chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022 thật sự là màn tranh tài đầy sôi động, hấp dẫn giữa những dự án, ý tưởng đến từ trái tim, khối óc của những người trẻ trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Đại biểu tham quan các sản phẩm tham gia vòng chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022

Đại biểu tham quan các sản phẩm tham gia vòng chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022

Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chính thức phát động từ ngày 27/4. Sau hơn 2 tháng phát động, Cuộc thi nhận được 358 hồ sơ dự án tham gia dự thi từ 62 Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn trên toàn quốc. Đặc biệt, Cuộc thi năm nay đã thu hút 57 dự án do thanh niên thuộc 14 dân tộc thiểu số đăng ký tham gia.

Sau vòng thi bán kết miền Bắc, Trung, Nam; 31 dự án xuất sắc nhất đã được Hội đồng Ban Giám khảo chọn lựa vào vòng chung kết diễn ra tại TP Đà Lạt trong ngày 2/11 với nhiều ý tưởng sáng tạo, đổi mới. Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học - kỹ thuật có các dự án như: Ứng dụng IMO trong nuôi trồng, chăm sóc hoa lan bằng phương pháp hữu cơ (Bình Phước); Trạm trắc quan môi trường nước sử dụng năng lượng tái tạo từ dòng nước, gió và mặt trời (Đà Nẵng)… Lĩnh vực phát huy tài nguyên bản địa có các dự án: Sản xuất, kinh doanh và bảo tồn giống gà đen H’Mông bản địa (Bắc Kạn); Mang thịt chua đất Tổ đến mọi miền Tổ quốc (Phú Thọ)… Lĩnh vực bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua khai thác du lịch cộng đồng có các dự án: Trồng dâu tây kết hợp với làm du lịch trải nghiệm các sản phẩm nông nghiệp (Cao Bằng); Làng sinh thái cộng đồng ven biển (Nam Định)… Đặc biệt, nhiều sản phẩm nông nghiệp tham gia cuộc thi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Đến từ huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, cô gái dân tộc Tày - Phan Thị Tố Mười với Dự án Chế biến bún ngũ sắc nhận được nhiều lời khen và góp ý của các thành viên Ban Giám khảo. Sinh ra trong một gia đình chuyên làm nghề sản xuất bún, Mười có cơ hội được tiếp cận với nghề, đồng thời nhận thấy những hạn chế của cách làm bún truyền thống. Chính vì vậy, cô quyết tâm tìm hướng đi mới, nâng tầm chất lượng, giá trị cho sản phẩm bún khô.

Tố Mười chia sẻ: “Chứng kiến những khó khăn, vất vả của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên quê hương, chúng tôi luôn trăn trở làm điều gì đó để nâng cao thu nhập và dần mang lại cuộc sống ổn định, bền vững cho người nông dân. Đi đến nhiều nơi trong tỉnh, quan sát kỹ quanh khu vực mình đang sinh sống, chúng tôi nhận thấy những tiềm năng to lớn trong việc tận dụng những tài nguyên có sẵn của địa phương để hình thành nên chuỗi giá trị từ những điều gần gũi nhất. Cụ thể như phát triển ý tưởng bún ngũ sắc dựa trên món ăn truyền thống xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc Tày. Nghiên cứu, thử nghiệm các loại cây nông nghiệp sẵn có có khả năng tạo màu thực phẩm”.

Từ những yếu tố trên, Tố Mười xây dựng Dự án Chế biến bún ngũ sắc với chuỗi giá trị liên hoàn từ trồng trọt tới chế biến. Cô cũng cùng các hộ sản xuất trong thôn thành lập Hợp tác xã Tố Mười. Đến nay, hợp tác xã đã có các sản phẩm được thị trường ưa chuộng như bún khô truyền thống, bún khô ngũ sắc, bún khô gạo lứt..., có nhãn mác, thời hạn, tem truy xuất nguồn gốc, cách sử dụng. Hiện, sản phẩm được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Tại vòng chung kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - đổi mới sáng tạo” lần thứ 8, năm 2022 diễn ra vào ngày 15-16/10 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, Dự án Chế biến bún ngũ sắc của Phan Thị Tố Mười cũng đã xuất sắc đoạt giải “Dự án nông nghiệp phát triển bền vững” (GIBC).

Tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022, bên cạnh đặt ra câu hỏi cho thí sinh để làm rõ hơn nội dung của dự án, các thành viên Hội đồng Ban Giám khảo cũng đã đưa ra nhiều định hướng và lời khuyên quý báu cho các tác giả từ mẫu mã, bao bì, đến các hoạt động maketing, quảng bá sản phẩm… Theo anh Minh Thảo - Phó Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn, các dự án vào vòng chung kết đều có chất lượng tốt, đa dạng và đáp ứng được tiêu chí của Cuộc thi. Cuộc thi được tổ chức hàng năm nhằm cổ vũ, khuyến khích, định hướng và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn.

Bên cạnh đó, thông qua Cuộc thi cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận, nắm bắt kịp thời những ý tưởng hay, sáng tạo và các mô hình kinh doanh tiềm năng của thanh niên. Từ đó có thể đầu tư, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề cho doanh nghiệp; là cơ hội để doanh nghiệp tìm và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực về tư duy và hành động của thế hệ trẻ về khát vọng làm giàu từ nông nghiệp, chuyển đổi số nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp xanh vì sự phát triển bền vững.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202211/thuc-day-khat-vong-lam-giau-tu-nong-nghiep-3142753/