Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong ngành du lịch
Từ thực tế khởi nghiệp sáng tạo trong ngành du lịch thời gian qua cho thấy, với các mô hình kinh doanh mới, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, cùng với các sản phẩm truyền thống không chỉ tăng năng lực cạnh tranh, mà còn tạo đòn bẩy thúc đẩy liên kết đa ngành, đa nguồn lực để du lịch Ninh Bình bứt phá.
Kết quả bước đầu khởi nghiệp sáng tạo trong du lịch
Theo đồng chí Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch: Nhìn lại những hoạt động, sự kiện trong những năm qua, có thể nhận thấy những nỗ lực, cố gắng khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch Ninh Bình, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tếxã hội của tỉnh.
Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đa dạng các sản phẩm du lịch chất lượng của địa phương, trong đó có các sản phẩm đặc thù gắn với thương hiệu du lịch của tỉnh, bám sát xu hướng, nhu cầu và thị hiếu của thị trường như: du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, nông thôn (gắn với nông nghiệp công nghệ cao)...
Nhiều sản phẩm du lịch đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, trở thành những sản phẩm đặc trưng, trụ cột của tỉnh, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch sinh thái Thung Nham, hang Múa... Các mô hình nông trại, trang trại trải nghiệm, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, đặc sản... gắn với phát triển du lịch được các doanh nghiệp đầu tư đưa vào phục vụ du khách.
Đến nay, có 3 mô hình du lịch nông thôn đã được công nhận sản phẩm OCOP về dịch vụ, du lịch cộng đồng (điểm du lịch Hang Múa - huyện Hoa Lư, dịch vụ du lịch cộng đồng Vân Long xã Gia Vân, huyện Gia Viễn; du lịch Quèn Thờ, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp). Nhiều mô hình thu hút đông khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm như Khu du lịch sinh thái Thung Nham, trang trại Thanh Nga, Hang Múa... Toàn tỉnh hiện có gần 20 khu, điểm du lịch; 31 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp phép, trong đó có 8 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.
Với sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh, các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các trung tâm tổ chức hội nghị, nhà hàng cao cấp, như: Trung tâm hội nghị tại Khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính, nhà hàng Cung đình, nhà hàng Hoàng Giang và các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, như: Sân golf Hoàng Gia, Sân golf Tràng An...
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, đến nay có trên 800 cơ sở lưu trú du lịch, với hơn 10.000 phòng nghỉ, trong đó có trên 40 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1-5 sao, các cơ sở lưu trú đã tích cực đầu tư tu bổ, duy trì, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao so với giai đoạn trước, tạo sự hài lòng đối với khách du lịch.
Các doanh nghiệp tích cực sáng tạo, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu của khách du lịch, đầu tư phát triển sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã, có sự gia tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng từ đồ trang trí, tranh ảnh, đồ gỗ mỹ nghệ, khăn choàng, ga gối thêu ren, gốm sứ, được trưng bày, bán tại một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, Nhà thờ đá Phát Diệm.
Một số sản phẩm mang tính nghệ thuật cao như sản phẩm của nghề gốm cổ Bồ Bát (đĩa tranh, cốc, ấm chén, bình gốm vẽ tay các phong cảnh nổi tiếng của Ninh Bình như Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Bái Đính, Vân Long); sản phẩm thêu tay tinh xảo của nghệ nhân làng nghề thêu ren Văn Lâm (khăn tay, khăn trải bàn, các bức tranh thêu); sản phẩm từ lá bồ đề của HTX Sinh Dược; một số sản phẩm mang tính biểu tượng, phản ánh nét văn hóa độc đáo của vùng đất Cố đô như Cột Kinh, đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo... được du khách yêu thích, đánh giá cao về tính thẩm mỹ.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn
Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi, có lợi thế cạnh tranh đặc biệt về du lịch với định hướng trở thành một trung tâm du lịch của vùng và đất nước. Lĩnh vực du lịch của tỉnh đang đứng trước giai đoạn phát triển mạnh với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn, hứa hẹn là địa bàn đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư với các công trình, dự án về du lịch, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng cao cấp, khu vui chơi giải trí...
Nhận thấy rõ những lợi thế so sánh để phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình đã và đang có nhiều chính sách, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch khởi nghiệp sáng tạo để thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Ninh Bình và cả nước. Trong đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, kinh doanh.
Tỉnh đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, nhất là ở các khu du lịch trọng điểm. Từ năm 2018 đến năm 2024, ngân sách nhà nước đã cấp cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch hơn 1.947 tỷ đồng.
Các sở, ngành, địa phương thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân liên hệ công tác. Các sở, ngành, địa phương triển khai khá đồng bộ nhiều nội dung phục vụ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, đặc sản địa phương, góp phần hình thành và phát triển giá trị thương hiệu, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ phục vụ ngành du lịch của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp Ninh Bình muốn khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực du lịch cần thêm nhiều nỗ lực và sự hỗ trợ của tỉnh. Trên thực tế, đa số doanh nghiệp du lịch Ninh Bình là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực hạn chế, nên việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.
Một số quy định về khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng còn là rào cản khiến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không thể huy động đủ vốn để phát triển. Một số quy định liên quan đến hoạt động du lịch (không cho phép kinh doanh lưu trú trong vùng lõi Di sản, không cho phép mở cơ sở chế biến thực phẩm...) còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm quản lý, khả năng tiếp cận thị trường, cạnh tranh từ các công ty lớn, sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và công nghệ,...
Theo nhiều chủ doanh nghiệp có kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, đối với các doanh nghiệp, việc khởi nghiệp sáng tạo trong điều kiện hạn chế về nguồn lực là khó khăn. Do vậy, tỉnh cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức áp dụng đổi mới sáng tạo; tháo gỡ các rào cản về khả năng tiếp cận tài chính, về pháp lý để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các biện pháp hỗ trợ có thể thông qua cung cấp hỗ trợ tài chính, như: vay vốn ưu đãi, giảm thuế hoặc miễn giảm phí; hỗ trợ kỹ thuật, gồm: đào tạo, tư vấn hoặc chia sẻ công nghệ mới.
Hiện nay, nhiều giá trị về văn hóa của Ninh Bình còn đang ở dạng tiềm năng. Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo dựa trên khai thác tiềm năng tài nguyên du lịch của vùng đất Cố đô, vùng đất Di sản, khai thác phát triển sản phẩm có hàm lượng văn hóa cao, sản phẩm du lịch có màu sắc bản địa rõ nét như: khai thác các giá trị Di sản Tràng An, nghệ thuật hát Xẩm, hát Chèo, nghề thêu ren, nghề thuốc, nghề gốm, đặc biệt các nét văn hóa nghệ thuật, ẩm thực cung đình vốn là đặc trưng của 2 triều đại Đinh và Tiền Lê.
Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo với những mô hình kinh doanh “không bán cái hữu hình mà bán giá trị văn hóa” trong nó để nâng tầm sản phẩm. Bên cạnh đó là hỗ trợ về nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ để các doanh nghiệp du lịch của tỉnh có điều kiện hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp du lịch với các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước.