Thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển bắt đầu từ bước đăng ký kinh doanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội Việt Nam. Cùng với việc lấy lợi ích kinh tế làm mục tiêu chính, kinh tế tập thể còn coi trọng lợi ích xã hội của thành viên; coi trọng sự hợp tác mang tính liên kết, bổ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng.
Hiểu được điều đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị phụ trách việc xây dựng Dự thảo Nghị định và Thông tư về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đang tích cực tham vấn ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đơn vị có liên quan,… để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật này theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mô hình kinh tế tập thể phát triển.
Tại Hội thảo tham vấn tổ chức ngày 27/2 vừa qua, đa số các ý kiến đều thống nhất về sự cần thiết ban hành cũng như những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến vấn đề cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Ông Lê Quang Hưng, đại diện Hợp tác xã Tiến Tiêu đề xuất dự thảo nên bổ sung quy định để hợp tác xã chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Theo ông Hưng, hiện tại muốn chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, các hợp tác xã phải làm theo 2 bước, đó là thực hiện thủ tục giải thể tự nguyện theo Luật Hợp tác xã, và đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp.
“Nếu làm như vậy sẽ phát sinh khó khăn. Sau khi giải thể, tư cách pháp lý của hợp tác xã đã hoàn toàn không còn, doanh nghiệp thành lập mới không được kế thừa quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã. Đặc biệt, tài sản đất đai của hợp tác xã không thể chuyển giao cho các doanh nghiệp mới. Nếu chuyển giao được thì cũng còn rất nhiều thủ tục phải thực hiện sau khi giải thế hợp tác xã theo hình thức tự nguyện, ví dụ như thanh lý hợp đồng với khách hàng, thanh toán các khoản nợ, quyết toán thuế, chấm dứt hợp đồng với người lao động,.. Giai đoạn chuyển đổi này vừa mất thời gian, vừa bị gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh và vừa mắt khách hàng”, ông Hưng phân tích.
Về phía đơn vị phụ trách đăng ký kinh doanh, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An góp ý dự thảo nghị định nên bỏ quy định lấy chữ ký tất cả các thành viên trong quá trình đăng ký thành lập hợp tác xã. Theo vị này, đặc điểm chung của hợp tác xã là gồm nhiều thành viên, thậm chí với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, số lượng xã viên là hộ nông dân có thể lên tới hàng trăm người. Nếu yêu cầu tất cả thành viên cùng ký là không khả thi, tạo áp lực lên cơ quan đăng ký và buộc những người đại diện hợp tác xã phải gian dối, giả mạo chữ kỷ.
Ông Dương Đăng Huệ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, gợi ý dự thảo Nghị định nên cơ cấu lại theo hướng đơn giản, gồm Chương I là các quy định chung, áp dụng cho tất cả mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, liên hợp hợp tác xã, tổ hợp tác. Các phần sau sẽ là quy định cụ thể, áp dụng riêng cho từng loại mô hình.
“Cách làm luật này sẽ phù hợp với dân trí của dân ta”, ông Huệ nhấn mạnh, đồng thời đề xuất Nghị định nên xem xét kỹ các quy định hiện hành liên quan đến Luật Đăng ký kinh doanh nói chung, tránh sự dài dòng, nhắc đi nhắc lại.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá đây là những cơ sở quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định, Thông tư về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Qua đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký hợp tác xã theo hướng cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi gia nhập thị trường, hoạt động và rút lui khỏi thị trường, đồng thời đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký hợp tác xã.
Dự thảo Nghị định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xin ý kiến tại Hội thảo có bố cục gồm 6 chương với 66 điều, trong đó:
- Chương I. Những quy định chung (33 điều)
- Chương II. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (3 điều)
- Chương III. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi, thông báo thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (10 điều)
- Chương IV. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh, đăng ký giải thể, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã (11 điều)
- Chương V. Đăng ký tổ hợp tác (7 điều)
- Chương VI. Điều khoản thi hành (2 điều)