Thúc đẩy kinh tế - xã hội từ đẩy nhanh tiến độ đầu tư công
Đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công là một nội dung thường xuyên được đôn đốc chỉ đạo thực hiện. Bởi đây được coi là tiền đề, nhiệm vụ quan trọng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Kế hoạch đầu tư công năm 2020 được giao và thông báo đến chủ đầu tư sớm ngay từ ngày 1/2/2020, qua đó đã tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý dự án và chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện và giải ngân vốn được bố trí. Các cấp, các ngành liên quan và các chủ đầu tư đã chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, từ khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án đến quá trình lựa chọn nhà thầu, thi công, nghiệm thu, quyết toán và bàn giao đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Kết quả giải ngân vốn đầu tư cho các dự án năm 2020 là 4.016,7 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách địa phương là 2.819 tỷ đồng, nguồn ngân sách Trung ương là 1.197 tỷ đồng. Ước đến 31/12/2020, khối lượng thực hiện là 3.842,9 tỷ đồng, đạt 95,7% kế hoạch. Số vốn giải ngân 3.813,9 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch và tăng 3,4% so với thực hiện năm 2019.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 17 - kỳ họp cuối năm 2020 vừa qua cũng đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế, trong đó có công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm còn chậm, chưa đạt kế hoạch đã đề ra. Nguyên nhân do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; nguồn vốn còn dàn trải, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của chủ đầu tư chưa cao, còn lúng túng, thụ động, công tác phối hợp chưa chặt chẽ.
Về nguyên nhân khách quan, tiến độ đầu tư của các dự án cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Về chủ quan, thẳng thắn nhìn nhận một số chủ đầu tư chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa đôn đốc các nhà thầu tư vấn lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Chưa kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện dự án theo tiến độ, chưa đôn đốc các nhà thầu thực hiện công tác nghiệm thu, thanh quyết toán để giải ngân vốn. Năng lực của một số nhà thầu tư vấn còn hạn chế.
Năm 2021 được mở đầu bằng sự kiện chính trị hết sức quan trọng của Đảng và đất nước, đó là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp (nhiệm kỳ 2020 - 2025); năm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định năm 2021 là “Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”. Trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi chúng ta phải quyết tâm cao hơn nữa, chủ động nắm bắt, tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục hạn chế, khó khăn, để tạo ra một xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong một giai đoạn mới.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã chỉ đạo các cấp, ngành: Tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển. Xác định cụ thể danh mục các công trình quan trọng để tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng và ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công. Việc bố trí vốn ngân sách nhà nước năm 2021 phải đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 973/NQ-UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Được biết, năm 2021, kế hoạch đầu tư công của tỉnh Lâm Đồng khoảng 10.251 tỷ đồng, chiếm 16,1% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh.
Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công được thực hiện theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên như sau: Bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2021 để phát huy hiệu quả đầu tư. Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2021 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025. Bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo tiến độ được phê duyệt. Bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2021 theo tiến độ nhưng đảm bảo thời gian bố trí vốn của dự án theo đúng quy định. Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ trên, mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có tính chất liên vùng, các công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các huyện, các dự án giao thông cấp bách, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai,...
Trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh, qua báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, kỳ họp đã thống nhất thông qua nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2021. Trong đó, kế hoạch bố trí vốn đầu tư công phân cấp cho các huyện, thành phố khoảng trên 147 tỷ đồng; xây dựng nông thôn mới 150 tỷ đồng, các dự án trồng rừng thuộc Đề án “Tăng cường quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng” 15 tỷ đồng; thực hiện Đề án xây dựng thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc thành thành phố thông minh là 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bố trí vốn lập quy hoạch tỉnh là 30 tỷ đồng, thực hiện các giải pháp ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt 25 tỷ đồng, đầu tư các cụm công nghiệp 25 tỷ đồng và tiếp tục thực hiện bố trí vốn cho các dự án đã quyết toán hoàn thành còn thiếu vốn… UBND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án để đảm bảo hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương...