Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử

Để thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, cần tăng cường phối hợp hai chiều giữa cơ quan Nhà nước và địa phương. Các địa phương cũng cần chủ động kết nối với nhau để phát huy sức mạnh giữa các bên.

Liên kết vùng trong thương mại điện tử (TMĐT) là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các cơ quan quản lý Nhà nước trong các vùng kinh tế để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển TMĐT nội vùng và liên vùng.

Tại diễn đàn “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT tại Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023” ngày 2/11 tại TP Cần Thơ, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ, TMĐT đang trở thành lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp và xu hướng tiêu dùng phổ biến ở Việt Nam hiện nay.

TMĐT Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm cao, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia phát triển năng động nhất trên thế giới về TMĐT.

Do đó, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT là chủ trương xuyên suốt và là một trong những định hướng trọng tâm của Đảng, Chính phủ nhằm phát huy lợi thế của phương thức phân phối hiện đại, phát triển kinh tế vùng.

Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành cũng như các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp đã và đang triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ thị trường TMĐT phát triển, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Với lợi thế phát triển các sản phẩm chủ lực như nông sản, thủy hải sản, gạo, thủ công mỹ nghệ, thị trường TMĐT tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng, phát triển đa dạng, phong phú và hội nhập sâu rộng với TMĐT khu vực.

Theo Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, để thúc đẩy phát triển liên kết vùng trong phát triển TMĐT hiện nay, cần tăng cường chuyển đổi số gắn với phát triển TMĐT địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp Việt và thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp hai chiều giữa cơ quan Nhà nước và địa phương để thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT. Đồng thời, các địa phương cũng cần chủ động kết nối với nhau để phát huy sức mạnh giữa các bên.

Bên cạnh đó, cần kêu gọi xã hội hóa và sự chung tay của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và chuyển giao về giải pháp phù hợp với phát triển kinh tế vùng.

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ mong muốn Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành có nhiều hoạt động kết nối, thúc đẩy chuyển đổi số địa phương và tăng cường quản lý giám sát hoạt động TMĐT.

Qua đó, doanh nghiệp địa phương có thể nâng cao kỹ năng, năng lực vận hành TMĐT, phát triển thương hiệu sản phẩm, chủ động thúc đẩy mở rộng kênh phân phối mới cũng như hỗ trợ hoạt động xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới thông qua sự hỗ trợ của các bên.

Tại sự kiện, các đại biểu đã chia sẻ nhiều giải pháp TMĐT, dịch vụ hỗ trợ TMĐT được triển khai thực tế với nhiều mô hình vận hành khác nhau. Đồng thời, thảo luận về thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu...

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/kinh-te-so/thuc-day-lien-ket-vung-trong-phat-trien-thuong-mai-dien-tu/20231102060304506