Thúc đẩy lộ trình tắt sóng 2G

Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân. Cả nước hiện còn hơn 15 triệu thuê bao 2G. Mục tiêu đến tháng 9-2024, Việt Nam sẽ hoàn thành việc dừng công nghệ 2G, khi đó dòng điện thoại 2G sẽ không được sử dụng trên mạng lưới. Hiện Bình Phước đã phủ sóng mạng 4G đạt 100% diện tích, người dân cần chủ động đăng ký chuyển dịch thuê bao từ 2G lên 4G để đảm bảo liên lạc được thông suốt.

Nhà mạng hỗ trợ thuê bao 2G

Ở tuổi 70, bà Nguyễn Thị Miến, ngụ thôn 6, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đang rất lo lắng khi nghe thông tin về chiếc điện thoại “cục gạch” đen trắng mình đang sử dụng sẽ không dùng được nữa khi nhà mạng tắt sóng 2G vào tháng 9 này. Tuy nhiên, sau khi được nhân viên nhà mạng đến tận nhà giải thích, bà hiểu mạng 2G đã lạc hậu, tốc độ, tính năng kỹ thuật đều không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng. “Nhà tôi đã có tivi để xem thời sự, nắm thông tin, các con, cháu đều có điện thoại thông minh. Tôi dùng điện thoại đen trắng quen rồi vì dễ bấm nghe, gọi. Giờ đổi điện thoại tôi phải tìm cách để làm quen và nhờ con cháu hướng dẫn thêm” - bà Miến bộc bạch.

Nhân viên Viettel huyện Bù Gia Mập hướng dẫn đồng bào DTTS xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập chuyển đổi sim 2G lên 4G, đồng thời trợ giá điện thoại 4G với giá rẻ

Nhân viên Viettel huyện Bù Gia Mập hướng dẫn đồng bào DTTS xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập chuyển đổi sim 2G lên 4G, đồng thời trợ giá điện thoại 4G với giá rẻ

Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như xã Đắk Ơ thì tỷ lệ người dân dùng điện thoại đen trắng vẫn còn nhiều. Nhóm người dùng này chủ yếu là người cao tuổi không muốn chuyển đổi điện thoại vì ngại phức tạp, khó sử dụng. Mặt khác, đời sống của đồng bào DTTS còn khó khăn, không có điều kiện kinh tế đổi điện thoại, một số vùng còn “lõm” sóng điện thoại.

Ông K’Lào ở thôn 6, xã Đắk Ơ chia sẻ: “Chiếc điện thoại đen trắng gắn liền với đồng bào mình vì nó nhỏ, gọn dễ mang theo khi đi làm rẫy và chủ yếu để nghe, gọi. Trong thôn nhiều hộ DTTS còn khó khăn lắm, nếu chuyển đổi điện thoại phải có chính sách hỗ trợ giá cho người dân”.

Để tuyên truyền rộng rãi đến người dân, nhân viên Viettel vào tận rẫy điều để hỗ trợ chuẩn hóa thuê bao cho người dân

Để tuyên truyền rộng rãi đến người dân, nhân viên Viettel vào tận rẫy điều để hỗ trợ chuẩn hóa thuê bao cho người dân

Huyện Bù Gia Mập còn khoảng 7.000 thuê bao cần chuyển đổi từ 2G lên 4G. Để hoàn thành tiến độ, anh Nguyễn Dương Nam, Giám đốc Viettel huyện Bù Gia Mập cho rằng: Viettel đang triển khai rất nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ bán điện thoại giá rẻ cho hộ nghèo, cận nghèo với chưa đến 300 ngàn đồng mỗi máy; cử nhân viên địa bàn chăm sóc, tặng sim, chuẩn hóa thông tin thuê bao cho khách. Đồng thời, phối hợp với địa phương, các tổ công nghệ số cộng đồng đến từng hộ dân để hỗ trợ chuyển đổi, cùng với các chương trình khuyến mãi, giảm giá máy cho khách hàng khi tham gia chương trình chuyển đổi từ 2G lên 4G.

Ngay tại trung tâm TP. Đồng Xoài, việc sử dụng sóng 4G/5G đang mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm thú vị, tuy nhiên vẫn còn 10% thuê bao cần chuyển đổi từ 2G lên 4G. “Tỷ lệ khó chuyển đổi đa phần là lao động tự do, công nhân trong các khu công nghiệp. Để việc tắt sóng 2G không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến liên lạc của người dân, Viettel Đồng Xoài đã thông báo đến các đơn vị kế hoạch và lộ trình thực hiện, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo mục tiêu tắt sóng 2G vào tháng 9-2024” - chị Nguyễn Thị Trang, tư vấn viên Viettel Đồng Xoài cho biết.

Toàn tỉnh hiện có hơn 80% thuê bao di dộng sử dụng điện thoại thông minh, tỷ lệ phủ sóng di động băng rộng đạt 100%. Điều này có nghĩa khi cắt sóng 2G người dân sẽ không bị ảnh hưởng.

Đồng hành với khách hàng

Viettel hiện là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông với thị phần lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết tháng 2-2024, Chi nhánh Viettel Bình Phước (Viettel Bình Phước) quản lý hơn 880.000 thuê bao di động đang hoạt động. Trong đó, có hơn 90.000 thuê bao cần chuyển đổi từ 2G lên 4G. Từ đầu năm đến nay đã chuyển đổi được gần 11.000 thuê bao. Để đảm bảo khách hàng không bị ảnh hưởng quyền lợi, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng.

Tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, Viettel Bình Phước đã tăng cường lắp đặt các trụ BTS phủ sóng đến các thôn, ấp và nâng cao chất lượng sóng di động để không ảnh hưởng đến thông tin liên lạc của người dân

Tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, Viettel Bình Phước đã tăng cường lắp đặt các trụ BTS phủ sóng đến các thôn, ấp và nâng cao chất lượng sóng di động để không ảnh hưởng đến thông tin liên lạc của người dân

Anh Trần Bá Hoàng, Giám đốc công trình Viettel Bình Phước cho biết: “Năm 2023, Tập đoàn Viettel đã tắt sóng khoảng 35.000 trạm 3G và đã chuyển dịch thành công 5,8 triệu thuê bao 2G lên 4G. Viettel đã tiên phong phủ sóng 4G rộng khắp toàn tỉnh, đồng thời lắp đặt 15 điểm phát phủ sóng 5G tại TP. Đồng Xoài, đảm bảo chất lượng truy cập data (dữ liệu) để người dân có thể yên tâm sử dụng các dịch vụ, ứng dụng chia sẻ hình ảnh, gọi video… không bị gián đoạn khi chính thức dừng công nghệ 2G”.

Cùng với tăng cường truyền thông về việc tắt sóng 2G, Viettel đang đồng hành với khách hàng trong quá trình “lên đời” điện thoại 4G thông qua nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn dành cho thuê bao. Cụ thể, Viettel đã ra mắt nhiều dòng máy 4G giá rẻ đi kèm với chính sách ưu đãi như trợ giá tới 50%, tặng 28GB data tốc độ cao cho khách hàng chuyển đổi sử dụng máy 4G; khách hàng chuyển đổi thành công từ sim 2G lên 4G còn có cơ hội tham gia quay số trúng các giải thưởng giá trị.

Giám đốc Viettel Bình Phước VŨ TUẤN DŨNG

2 năm gần đây, các nhà mạng lớn như: Viettel, VNPT, Mobifone đã chủ động tắt các trạm phát sóng 2G riêng lẻ khi nhu cầu sử dụng ít. Cắt sóng 2G, nhà mạng kết hợp cùng các chương trình ưu tiên phát triển thuê bao sử dụng 4G/5G. Như vậy có thể thấy, nhà mạng đã sẵn sàng cho việc tắt sóng 2G, người dân cần chủ động đăng ký chuyển dịch từ 2G lên 4G để đảm bảo liên lạc được thông suốt. Việc chuyển dịch này là bước ngoặt quan trọng trong phát triển hạ tầng viễn thông tại Việt Nam, là “chìa khóa” mở ra cuộc sống số, tương lai số với nhiều tiện ích, cơ hội mới cho người dân.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/155425/thuc-day-lo-trinh-tat-song-2g