Thúc đẩy năng suất lao động

Các chuyên gia cho rằng để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, nước ta cần có những biện pháp giúp tăng năng suất lao động.

Tốc độ tăng chỉ ở mức trung bình

Sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, ngay cả trong thời kỳ khó khăn do dịch Covid-19. Điều này thể hiện ở việc tăng trưởng kinh tế giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thô, lao động nhân công giá rẻ và mở rộng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Với mục tiêu trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và liên tục trong những thập niên tới. Trong bối cảnh dư địa cho tăng trưởng theo phương thức truyền thống, dựa chủ yếu trên mở rộng quy mô lao động giá rẻ và vốn, hoặc gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên, đã trở nên hạn hẹp, thì năng suất lao động chính là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng địa phương và của khu vực doanh nghiệp.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động của Việt Nam cải thiện đáng kể, tăng 2,5 lần, từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021. Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong 10 năm 2011-2020 đạt 6%, trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5% và giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4%, vượt mục tiêu đề ra là 5%.

Báo cáo về năng suất lao động do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy năng suất lao động trên toàn nền kinh tế tuy đã tăng lên theo thời gian nhưng tốc độ tăng chỉ ở mức trung bình và không ổn định. Trước đó, trong giai đoạn 1991-2019, năng suất lao động của Việt Nam tăng 3,74 lần, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 4,65%. Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia có năng suất lao động tương đương với Việt Nam vào năm 1990 - đã tăng gấp 9,4 lần vào năm 2017, với mức tăng trung bình hàng năm là 8,98%. Đáng chú ý, tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng giảm dần, các địa phương “dẫn dắt” trong vùng chưa phát huy hết vai trò lan tỏa, chưa đóng vai trò thúc đẩy và lôi kéo tăng trưởng của vùng. Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp đạt 309,9 triệu đồng/lao động năm 2020, tăng 93,1% so với năm 2011; mức chênh lệch năng suất lao động giữa các loại hình doanh nghiệp ngày càng tăng.

Tốc độ tăng năng suất Việt Nam chỉ ở mức trung bình và không ổn định
Ảnh: Vũ Quang

Năng suất lao động cần được cải thiện đồng đều

Lý giải nguyên nhân, đại diện Ngân hàng Thế giới chỉ ra những rào cản chính đối với doanh nghiệp trong thúc đẩy năng suất lao động bao gồm: sự bất định khi đầu tư vào công nghệ; năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém; lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư.

Ngoài ra, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động, Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Thanh Mai, với lực lượng lao động lớn dồi dào hơn 50 triệu nhưng chỉ có ¼ lực lượng lao động được đào tạo và hơn 6 triệu lao động phi chính thức trong khu vực chính thức – chính nguồn gốc thiếu bền vững của lực lượng lao động. Nghiên cứu cũng cho thấy đói nghèo là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng số lao động có việc làm phi chính thức cao. Do vậy, trước hết phải giảm thiểu số lao động phi chính thức; xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực cho người lao động bằng việc tăng cường đào tạo, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch lao động ở các địa phương, nâng cao thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương.

Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động là một nhiệm vụ quan trọng, vừa có ý nghĩa thời sự nhằm sớm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, vừa là trọng tâm chiến lược nhằm góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và giúp Việt Nam “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” các quốc gia trong khu vực. Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động hướng tới mục tiêu coi năng suất lao động là động lực, nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững; trên cơ sở tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và thông qua thúc đẩy liên kết vùng và phát triển vùng; từ đó góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh, mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thuc-day-nang-suat-lao-dong-i314795/