Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong trường đại học
Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có 235 cơ sở giáo dục đại học (ĐH), trong đó có 170 cơ sở giáo dục ĐH công lập và 65 cơ sở giáo dục ĐH tư thục, ngoài ra còn có 41 viện nghiên cứu khoa học có đào tạo tiến sĩ.
Tổng số giảng viên tại cơ sở giáo dục ĐH hiện có 74.991 người, 729 giáo sư, 4.538 phó giáo sư và 20.197 tiến sĩ. Nhân lực R&D của cả nước tập trung nhiều ở khu vực trường ĐH, chiếm 51,2%. Trong đó, nhân lực từ tiến sĩ trở lên trong trường ĐH chiếm 66,9% cả nước.
Bài toán nghiên cứu khoa học đặt ra đối với các trường ĐH trong bối cảnh hiện nay là cần thiết khi bên cạnh đội ngũ giảng viên có trình độ và được đào tạo bài bản, thì sinh viên cũng có thể coi là những tinh hoa của đất nước. Ngoài các đề tài được đặt hàng nghiên cứu thì các cá nhân, nhóm giảng viên, sinh viên hoàn toàn có thể tự đăng ký đề tài để theo đuổi đam mê của bản thân.
Như chia sẻ của Nhóm nghiên cứu được trao giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020 của ĐH Quốc gia Hà Nội gồm Hoàng Lê Kiên, Hoàng Đức Chính, Phạm Thị Thảo Chi, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế: Với mỗi thành viên của nhóm, nghiên cứu khoa học không chỉ để phục vụ duy nhất cho mục đích học tập. Nghiên cứu khoa học là quá trình đào sâu để hiểu bản chất của một vấn đề và tìm ra những phương pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề đó, và theo cách hiểu này thì nghiên cứu khoa học rõ ràng là một kỹ năng quan trọng trong mọi ngành nghề. Hơn nữa, quá trình nghiên cứu theo nhóm cũng là một điều kiện tốt để các thành viên có thể trau dồi thêm kỹ năng teamwork và phản biện cũng như có thêm những tình bạn gắn bó thời sinh viên.
Trăn trở về hướng đi sẽ không phải là quá khó với những người chịu khó tìm tòi, đào sâu nghiên cứu dù trên thực tế, có những nghiên cứu đi mãi vẫn chưa đến đích. Song như GS Ngô Bảo Châu từng chia sẻ tại Hội trường ĐH Bách Khoa Hà Nội trước hàng nghìn sinh viên và giảng viên trong trường, ông đã có “15 năm cô đơn với bổ đề cơ bản”. Có những thất bại, cũng có khi có cảm giác như đi vào ngõ cụt nhưng không bao giờ bỏ cuộc chính là điều đã làm nên GS Ngô Bảo Châu của ngày hôm nay.
Nhìn nhận về việc phát triển nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục ĐH, GS. TS Bùi Văn Ga- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng có 3 vấn đề cần tập trung. Thứ nhất, tạo cơ chế liên kết các nhóm nghiên cứu mạnh của các trường ĐH trong nước, thông qua phê duyệt các đề án, chương trình nghiên cứu; thông qua quy định linh hoạt về quản lý giảng viên, thông qua cơ chế tài chính. Thứ hai, đầu tư cơ sở vật chất dùng chung như phòng thí nghiệm chuyên ngành và cơ sở dữ liệu dùng chung. Thứ ba, xây dựng các quy định mới về quản lý khoa học công nghệ cho phép các trường được sử dụng chung nguồn lực để nghiên cứu khoa học một cách linh hoạt.
Chia sẻ quan điểm này, PGS. TS Ngô Thị Hồng (Học viện Tài chính) cho rằng một trong những vấn đề quan trọng để thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học là tăng kinh phí NCKH. Mặc dù kinh phí dành cho NCKH ở nước ta so với một số nước trong khu vực hiện nay không phải là quá thấp nhưng việc phân bổ chưa hợp lý đã ảnh hưởng đến tính hiệu quả và là tác nhân làm cho kinh phí NCKH tăng lên. Vì vậy, các cơ quan liên quan, các trường đại học cần quan tâm đến vấn đề này để phân bổ, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Hoàng Giang tại buổi làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội mới đây về kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2021 gợi ý, đối với một số chương trình khoa học trọng điểm nên thiết lập cơ chế cộng tác viên để huy động đội ngũ chuyên gia, các nguồn lực từ các cơ quan bên ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội, đóng góp hữu hiệu vào các nhiệm vụ do ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh trong quá trình hợp tác trao đổi, “chỗ nào vướng thì hai bên cùng bàn thảo và tìm cách tháo gỡ”. Đây cũng là hướng đi gợi mở đối với các trường ĐH khác trong quá trình nghiên cứu khoa học cần kết hợp với các nguồn lực khác để cùng nhau về đích, bởi muốn đi nhanh thì đi 1 mình, muốn đi xa thì đi cùng đồng đội.