Thúc đẩy 'ngoại giao bán dẫn', thu hút các dự án lớn từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...

Việt Nam xác định đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là phát triển một ngành kinh tế mà là chiến lược phát triển quốc gia

Việt Nam đang tăng tốc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó đang tập trung xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt cho dự án nhà máy chế tạo chip bán dẫn, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, xây dựng trung tâm dữ liệu, triển khai phòng thí nghiệm dùng chung...

Đẩy mạnh thu hút các dự án ngành bán dẫn

Với Nghị quyết số 57-NQ/TW cùng chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo động lực đột phá cho kinh tế - xã hội và khẳng định vị thế quốc gia trên bản đồ công nghệ thế giới.

Thủ tướng và Chủ tịch NVIDIA chứng kiến ký kết và trao Thỏa thuận giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - đại diện Chính phủ Việt Nam và ông Jay Puri, Phó Chủ tịch Điều hành Phụ trách Hoạt động Toàn cầu NVIDIA. Ảnh: VGP

Thủ tướng và Chủ tịch NVIDIA chứng kiến ký kết và trao Thỏa thuận giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - đại diện Chính phủ Việt Nam và ông Jay Puri, Phó Chủ tịch Điều hành Phụ trách Hoạt động Toàn cầu NVIDIA. Ảnh: VGP

Năm 2024, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, cơ quan này đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... và đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỉ USD.

Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA cũng đã được ký kết cuối năm 2024 nhằm hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thỏa thuận là "cú hích" quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn, đầu tư vào Việt Nam.

Với tầm nhìn dài hạn và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như hợp tác quốc tế để nắm bắt công nghệ thiết kế chip tiên tiến, dần từng bước đưa Việt Nam vào sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn.

Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong năm 2025 thời gian tới, Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn đã nêu rõ cần tập trung phát triển các trung tâm thiết kế, kiểm thử, đóng gói và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt về công nghệ đóng gói tiên tiến, hướng tới thành lập nhà máy sản xuất bán dẫn và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Về phía Bộ KH-ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực tiếp cận, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực đóng gói tiên tiến, là lĩnh vực có khả năng tạo bứt phá cho Việt Nam.

Cùng với đó, hoàn thiện 3 trụ cột cho ngành công nghiệp bán dẫn, gồm: cơ chế, chính sách; hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. "Tiếp tục thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhân tài người Việt trên toàn thế giới đóng góp vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước"- Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy, thu hút các dự án của nước ngoài trong lĩnh vực này như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, đặc biệt là 2 dự án của Samsung. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai thỏa thuận hợp tác đã ký kết với Tập đoàn NVIDIA.

Nhanh chóng phát triển các trung tâm thiết kế, kiểm thử

Nhấn mạnh bán dẫn là ngành công nghiệp cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và của nền kinh tế số, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Theo ông Lịch, chiến lược đã đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức: C=SET+1 (Chip, Chuyên dụng, Điện tử, Nhân tài + Việt Nam). Trong đó, chữ C là chíp bán dẫn, chữ S là specialized, chuyên dụng, chip chuyên dụng. Việt Nam tập trung nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng.

Bộ KH-ĐT đang đẩy mạnh các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn

Bộ KH-ĐT đang đẩy mạnh các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn

Chữ E là electronics - điện tử, công nghiệp điện tử. Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn cùng công nghiệp điện tử, công nghiệp chuyển đổi số, mà trọng tâm là AI - công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0.

Chữ T là talent - nhân lực, nhân tài. Việt Nam phát triển nhân lực là bước đi đầu tiên, là điểm đột phá, là mục tiêu chiến lược, trở thành một trung tâm về nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Số 1 trong công thức là vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Với chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, ông Lịch cho biết Nhà nước còn ưu tiên bố trí nguồn lực để thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học; hình thành các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu thử nghiệm bán dẫn trọng điểm quốc gia.

"Việt Nam ưu tiên và có chính sách ưu đãi đặc biệt, cơ chế thủ tục về đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhằm thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới vào Việt Nam với phương châm không chỉ là một thị trường tiêu thụ mà còn là một đối tác đáng tin cậy và nơi lý tưởng để phát triển, mở rộng nghiên cứu, sản xuất"- Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông cho hay.

Là Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ ngành cần hoàn thiện thể chế thông thoáng để giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thúc đẩy ngoại giao bán dẫn; nhanh chóng phát triển các trung tâm thiết kế, kiểm thử, đóng gói chip...

Thủ tướng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, thể chế và hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn là chiến lược toàn diện, nên cần sớm triển khai, đầu tư cho xứng tầm đột phá chiến lược. Theo Thủ tướng, cần đẩy mạnh hợp tác công tư, hợp tác trong nước, quốc tế, khơi thông, tận dụng mọi nguồn lực cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Chính phủ yêu cầu các địa phương nghiên cứu, lựa chọn các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, phù hợp để đầu tư, đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt về cung cấp nguồn điện ổn định, đủ công suất và nước sạch, hệ thống xử lý nước thải, vệ sinh môi trường) nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; thúc đẩy các khu, cụm công nghiệp lân cận để tạo cụm liên kết ngành cho chuỗi công nghiệp bán dẫn.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thuc-day-ngoai-giao-ban-dan-thu-hut-cac-du-an-lon-tu-my-chau-au-nhat-ban-196250126120915771.htm