Thúc đẩy ngoại giao công chúng trong kỷ nguyên số
Thực tiễn triển khai ngoại giao công chúng của các nước là cơ sở để Việt Nam tham khảo và xây y dựng ngoại giao công chúng mang đậm bản sắc Việt Nam.
Sáng 17/12, tại Hà Nội diễn ra Phiên họp chuyên đề công tác ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại “Ngoại giao công chúng trong kỷ nguyên số”.
Phiên họp nằm trong khuôn khổ Hội nghị ngoại giao lần thứ 32, là dịp để đại diện các bộ ngành, các cơ quan sứ quán Việt Nam tại nước ngoài thảo luận về cơ chế, chính sách và cách thức huy động nguồn lực trong công tác ngoại giao văn hóa trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới hiện nay với nhiều sự thay đổi nhanh chóng, công nghệ truyền thông phát triển, cùng với nhu cầu ngày càng cao của đất nước, hướng tới tăng cường sức mạnh mềm của Việt Nam, công tác ngoại giao văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng.
Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy công tác ngoại giao văn hóa, tuyên truyền thông tin đối ngoại, góp phần quảng bá, tôn vinh hình ảnh đất nước tới bạn bè quốc tế và liên tục đổi mới để tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho rằng, thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh thành tựu triển khai, còn hạn chế, cả khách quan và chủ quan. Do đó cần phát huy hơn nữa trí tuệ tập thể để tạo ra đột phá, những chuyển biến tích cực hơn trong công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại.
"Trong chuyển đổi số, các nước tăng cường ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội, AI,… thực tiễn triển khai ngoại giao công chúng của các nước là cơ sở để Việt Nam tham khảo và xây y dựng ngoại giao công chúng mang đậm bản sắc Việt Nam", Thứ trưởng cho biết.
Tại phiên họp, đại diện các sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm của các nước như Canada, Phần Lan, Trung Quốc về ngoại giao công chúng trên nền tảng số. Trong khi đó, các bộ ngành và tổ chức cũng đánh giá thực tiễn triển khai thông tin đối ngoại, phân tích khó khăn, rút ra bài học cho Việt Nam.
Về các khuyến nghị nhằm huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng sản phẩm số quảng bá hình ảnh Việt Nam, ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, chúng ta có đủ câu chuyện hay về người Việt trên thế giới, có nhiều nguồn lực tuy nhiên chưa biết cách thực hiện thống nhất để kể một câu chuyện tổng quan về Việt Nam.
"Về các khuyến nghị, một là xây dựng kho dữ liệu quốc gia để chúng ta có hình ảnh, thông tin chuẩn. Thứ 2 là thay đổi tư duy, nhà nước không thể tự làm hết được, phải có các KOL, tổ chức tham gia vào hoạt động này để có hiệu quả. Và cuối cùng là không thể tránh khỏi sự tham gia vào thế giới AI", ông Trần Nhất Hoàng cho biết.
Tại phiên họp, đại diện các bộ ngành, các cơ quan sứ quán Việt Nam tại nước ngoài cũng đã thảo luận về cơ chế, chính sách và cách thức huy động nguồn lực trong công tác ngoại giao văn hóa trong thời gian tới. Qua đó thúc đẩy hơn nữa “Ngoại giao công chúng trong kỷ nguyên số”.