Thúc đẩy nuôi thủy sản ở Bắc Quang

BHG - Bắc Quang hiện có trên 960 ha diện tích ao, hồ nuôi thủy sản, ngoài ra còn có khoảng 1.000 ha diện tích mặt nước trên các đập thủy điện rất thuận lợi cho việc nuôi cá lồng. Sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm của huyện ước đạt gần 300 tấn. Huyện vẫn còn nhiều tiềm năng về phát triển nuôi thủy sản.

Bắc Quang được ví là rốn mưa của tỉnh, bên cạnh đó huyện còn có độ che phủ rừng trên 70%, là nơi cung cấp nguồn nước dồi dào để phát triển nghề nuôi thủy sản. Về xã Vô Điếm, nơi được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi cá nhất trong huyện. Bí thư Đảng ủy xã Vô Điếm, Vũ Đình Tuyên cho biết: “Diện tích mặt nước để nuôi cá của xã có gần 250 ha. Hiện nay, người dân Vô Điếm mới chỉ dừng lại ở việc nuôi cá để cải thiện đời sống hàng ngày. Trong xã chưa có gia đình nào làm giàu từ nghề nuôi cá”. Theo đánh giá, tiềm năng phát triển nghề nuôi thủy sản của địa phương rất lớn nhưng khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nên nghề chưa phát triển tương xứng.

Nuôi cá lồng trên sông Lô ở xã Tân Thành.

Nuôi cá lồng trên sông Lô ở xã Tân Thành.

Trao đổi với ông Vũ Đình Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nuôi cá lồng bè trên sông Lô, thị trấn Vĩnh Tuy, được ông tâm sự: “Sau gần 7 năm thành lập Tổ nuôi cá lồng, rồi nâng cấp thành HTX nuôi cá lồng bè đặc sản là cá Chiên, Lăng chấm. Ước mơ của các thành viên trong HTX làm giàu từ nghề nay vẫn chưa thành công. Đến nay, HTX chưa thể mở rộng chăn nuôi vì đầu ra bấp bênh”. Anh Nguyễn Ngọc Khánh, thôn Mâng, xã Kim Ngọc cho biết: “Gia đình tôi có 4 ao nuôi cá, với diện tích nuôi thả gần 4.000 m2. Gia đình đã đầu tư vốn từ ương cá bột, đến nuôi cá thương phẩm bán ra thị trường. Tuy nhiên gia đình gặp khó khăn về tiếp cận vốn và khó tiêu thụ sản phẩm. Vào vụ thu hoạch cá mỗi ngày lượng bán cá cho thương lái từ huyện vào lấy rất nhỏ, thường bị ép giá, thời gian thu hoạch kéo dài gây hao hụt rất lớn trong mỗi vụ”.

Để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy nghề nuôi thủy sản ở huyện, theo ý kiến của những người nuôi thủy sản cho rằng, cần tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để người nông dân tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Các Nghị quyết của tỉnh hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cần triển khai đồng bộ và tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Cũng cần thiết phải thành lập Hiệp hội nghề nuôi cá, đi kèm xây dựng làng nghề chuyên chế biến thủy sản để giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Từ đó, sẽ thúc đẩy được nghề nuôi thủy sản tại huyện phát triển, tạo cơ hội cho phát triển nghề, làng nghề. Sự hình thành các làng nghề chế biến thủy sản sẽ thu hút khách du lịch trải nghiệm, đây là xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn hút khách hiện nay.

Bên cạnh đó, muốn chiếm được lợi thế trong phát triển nghề nuôi thủy sản, huyện phải rà soát, phân vùng, từng bước tổ chức lại sản xuất hợp lý và hỗ trợ đầu tư phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, làng nghề chế biến, hỗ trợ người nông dân đăng ký thương hiệu và quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu dùng, tạo ra chuỗi giá trị trong nuôi thủy sản. Qua đó, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn và giúp phát triển nền sản xuất nông nghiệp có giá trị cao, bền vững tương ứng tiềm năng, thế mạnh địa phương.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202406/thuc-day-nuoi-thuy-san-o-bac-quang-8e3058a/