Thức dậy ở quê
Một buổi sáng nào đó bạn gọi chỉ để bảo: 'Tớ thèm được thức dậy ở quê. Mở cửa ra hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành. Nghe tiếng gà gáy, tiếng sương rơi trên lá, tiếng chim hót trong veo trên vòm trời cao vợi. Từng làn gió ở quê cũng quá đỗi trong lành. Chẳng như nơi tớ đứng bây giờ, chỉ toàn là khói bụi, còi xe ầm ĩ, người chen nhau nhích từng chút một'.
Tôi đoán lúc đó bạn đang gặp tắc đường, đứng ngửa cổ lên trời bất lực nhìn dòng xe đen đặc như đàn kiến. Ngay cả thứ không khí mà bạn đang hít thở cũng chẳng dễ chịu gì.
Chúng tôi từng có chung ao ước thi đậu đại học để cùng nhau xuống phố. Lúc ấy thành phố là miền đất hứa, là thanh xuân, tuổi trẻ và bao nhiêu ước vọng tươi đẹp của rất nhiều người. Lúc ấy, chúng tôi đâu có biết được rằng đến một ngày nào đó sẽ ráo riết rời bỏ thành phố như một cuộc tháo chạy. Ô nhiễm không khí, nguồn nước, khiến người dân ngày càng bất an, lo sợ. Dù không phải ai cũng dễ dàng rời bỏ thành phố nhưng nhiều gia đình giàu có đã tính chuyện ra ngoại thành mua đất, làm nhà vườn để cuối tuần về đó nghỉ ngơi cho người già trẻ con “lọc phổi”. Nhiều bạn trẻ cũng can đảm bỏ phố về quê làm ăn kinh tế. Chính bản thân tôi cũng quyết định quay về nguồn từ nhiều năm trước, cũng bởi vì thèm được mỗi ngày thức dậy ở quê.
Buổi sáng ở quê của những người mẹ như tôi vẫn từng ấy công việc như người thành phố. Nhưng trong lúc giục con thức dậy, hình như có nghe thấy tiếng cây lá lao xao ngoài cửa sổ. Lúc đèo con đến trường cũng không phải gấp gáp vội vàng để tránh giờ cao điểm trên những cung đường ùn tắc. Đường quê thênh thang lắm. Con ngồi sau xe mẹ, hỏi về cánh đồng lúa xanh non, đàn chim chiền chiện đậu trên đường dây điện hay đàn trâu đang thong thả ra đồng. Buổi sáng của những cụ già ở quê là niềm vui với đàn gà, ao cá, vườn rau. Pha một ấm nước chè ngồi dưới gốc sung già, nghe tiếng cá quẫy, sương tan. Nhìn những tia nắng đầu tiên rạng rỡ trên bộ lông màu xanh của chim bói cá. Ai đó vừa lùa vịt xuống ao. Ai đó cắp rổ đi nhặt trứng. Ai sáng ra đã hái ngọn bí non, rủ nhau đi lấy mật ong rừng, chặt măng mai về luộc. Những cụ bà rủ nhau đi chợ, tay xách làn, miệng nói chuyện cá tôm, gió đồng đưa hương lúa hương hoa quện vào từng vạt áo.
Chợ quê còn đọng đầy sương sớm trên quán lá. Hàng quà sáng với bánh cuốn, bánh tai, bún chả, hay những đồng bánh chưng nóng hổi trên chảo rán. Chẳng cần phải mời chào chèo kéo, hơi ấm từ bếp than và mùi thơm đồ ăn nóng hổi cũng làm bụng dạ cồn cào. Ngoài cổng chợ thấy bày những mẹt rau xanh gốc rễ còn dính đất vừa mới nhổ sáng nay. Có khi chẳng cần mua, gặp người quen là dúi vào làn nhau mớ rau, nải chuối, mấy quả na lấy thảo. Người này níu người kia hỏi chuyện ông cụ nhà chị ốm khỏi chưa? Chị còn đau vai gáy nhiều không? Năm nay cấy mấy sào? Sau đợt dịch có định nuôi lợn lại? Những câu chuyện tưởng chừng như không thể dứt ra. Nhưng nong tằm còn đợi ở nhà, đàn lợn chưa cho ăn, có người hẹn sáng nay tới nhà xin giống hoa về trồng… Ở phố có thế không? Hay chuyện bán mua của mỗi buổi sớm mai cũng chua chát đến từng lời mặc cả?
Cuộc điện thoại của bạn khiến tôi nhớ phố. Nhưng tôi cũng chợt nhận ra mình hạnh phúc đến nhường nào khi mỗi ngày đều được thức dậy ở quê mình.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thuc-day-o-que-626357.html