Thúc đẩy phát huy năng lực nội sinh để phát triển kinh tế

Phát huy năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững là một trong những yếu tố quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023.

Những quyết sách của Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành dữ dội, ngày 1/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 07 về một số nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế xã hội.

Ngay sau đó, Quốc hội đã cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng bằng các sáng kiến lập pháp chưa có tiền lệ. Ngày 28/7/2021, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 30 - Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19. Một tuần sau đó, với sự mở đường từ Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Sau đó là nhiều chính sách cụ thể, phân cấp, phân quyền cho các bộ ngành, địa phương nhằm kịp thời chống dịch.

Ngày 11/1/2022, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, có quy mô gần 350.000 tỷ đồng.

Tháng 9/2021, với Nghị quyết 03 - lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định một gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 13 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tiếp theo đó, Chính phủ đã triển khai hàng loạt các chính sách kịp thời, hỗ trợ trên 1,4 triệu lượt doanh nghiệp và trên 68 triệu lượt người lao động với tổng kinh phí trên 120.000 tỷ đồng trong 3 năm.

Sau hàng loạt các quyết sách quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, năm 2022, kinh tế Việt Nam có bước tăng trưởng ấn tượng: GDP tăng 8,02%, mức cao nhất trong 12 năm, gấp đôi mức lạm phát. Tăng trưởng cao, lạm phát thấp được xem là kỳ tích trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao. Đáng chú ý, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP 20 toàn cầu…

Kinh tế đang dần phục hồi

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành bán lẻ và thương mại hiện đại của Việt Nam sau khi chịu những tác động, biến đổi tác động của đại dịch COVID-19, từ sau năm 2019 đến năm 2023, đang dần được vực dậy, dần đạt lại mức quy mô trước đại dịch...

Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện đang thực hiện cơ cấu lại hoạt động, nguồn hàng để phù hợp với nhu cầu, thói quen mới của người tiêu dùng theo hướng thông minh, tiết kiệm hơn. Đồng thời, cơ cấu lại hoạt động theo hướng đón đầu phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng đang tái cơ cấu lại cấu trúc, vận động mạnh mẽ theo hướng số hóa, đáp ứng xu hướng thương mại hiện đại hiện nay.

Trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Đức kiến nghị, cần có chính sách và quy mô hỗ trợ bài bản hơn để tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng; đồng thời cũng cần thêm các chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp.

Còn theo TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, trong 30 năm qua, việc phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động đã đưa Việt Nam thoát khỏi đói nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình. Hiện tại Việt Nam vẫn đang tập trung vào 2 yếu tố này chính là động lực tăng trưởng chính cho sự phát triển của nước ta. Nâng cấp doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động chính là mệnh lệnh cho việc đổi mới.

Hiện, Việt Nam có 900.000 doanh nghiệp, có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, tức là có gần 6 triệu chủ thể kinh doanh. TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, số lượng doanh nghiệp không ít, tuy nhiên chất lượng doanh nghiệp của nước ta không cao, chưa đáp ứng yêu cầu, năng suất lao động đang tụt hậu và chưa đáp ứng nhu cầu của giai đoạn phát triển mới.

TS. Vũ Tiến Lộc nhận thấy, kinh tế Việt Nam được dẫn dắt bởi 3 động lực tăng trưởng trong 30 năm qua, hiện nay 3 động lực tăng trưởng cần có sự phát triển đột phá để đạt được mục tiêu phát triển trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

TS. Vũ Tiến Lộc dự báo, việc phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ là hình chữ U và đáy rất dài, đây là thách thức rất lớn, ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên chúng ta vẫn có cơ hội trong chuyển dịch các chuỗi cung ứng.

Với lợi thế về địa chính trị và chính sách đối ngoại, Việt Nam là nền kinh tế quy mô vừa, lợi thế doanh nghiệp vừa và nhỏ. TS.Vũ Tiến Lộc đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực nội sinh trong việc cộng sinh với nền kinh tế toàn cầu cũng như trong chính các doanh nghiệp FDI. Do đó, thời gian tới, cần có chính sách thức đẩy liên kết các doanh nghiệp FDI với Việt Nam, đảm bảo cắm rễ sâu trong nền kinh tế, cộng sinh cùng có lợi với các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực đối tác công tư trong các dự án phát triển công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đối tác công tư, hoàn thiện Luật Phát triển công nghiêp trình Quốc hội trong thời gian tới; cần có Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.

Về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là các dự án có tiềm năng lớn, đầu tư vào lĩnh vực này mở đường cho các dòng đầu tư mới vào Việt Nam, sẽ là mũi tên trúng được nhiều đích, kích hoạt làn sóng đầu tư, tăng trưởng mới vào Việt Nam theo hướng đảm bảo chất lượng hơn.

Đối với khu vực tư nhân, TS. Vũ Tiến Lộc nhận thấy, cải cách thể chế trong khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, qua đó, khởi dây nguồn lực phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

OECD dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng lên 5,9%

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế xã hội 2023, ông Alexander BÖHMER, Trưởng Ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Pháp cho biết: OECD có 38 thành viên trên toàn cầu. Đông Nam Á là khu vực có sự phát triển năng động, có tầm ảnh hưởng lớn, trọng tâm của báo cáo của OECD đã đưa ra những dự báo tăng trưởng của khu vực này, trong đó ASEAN có mức tăng trưởng đạt 5,6% trong năm 2022; Dự báo mức tăng trưởng chung đạt 4,2% vào năm 2023 và tăng lên 4,7% vào năm 2024.

OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 gặp khó khăn nên hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống 4,9%, dự kiến tăng lên 5,9% vào năm 2024. Tốc độ phát triển kinh tế xã hội tích cực năm 2022 đã và đang góp phần cải thiện an sinh xã hội trong những năm gần đây; đồng thời nền kinh tế cũng cho thấy khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.

Theo OECD, những cải cách sâu hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh, mở rộng hệ thống lương hưu và phúc lợi là cần thiết cho sự phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam.

“Điều quan trọng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và dạy nghề để nâng cao năng lực chuyển đổi số của người lao động”, ông Alexander BÖHMER nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, OECD - một tổ chức quốc tế uy tín đã và đang hợp tác chặt chẽ với nhiều cơ quan của Việt Nam để nghiên cứu và công bố các báo cáo độc lập, khách quan, khuyến nghị các tư vấn chính sách cần thiết cho Việt Nam.

V.Tôn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thuc-day-phat-huy-nang-luc-noi-sinh-de-phat-trien-kinh-te-20230919162942956.htm