Thúc đẩy phát triển kinh tế số
Chuyển đổi số hiện vẫn đang được Bình Thuận tích cực triển khai, trong đó có đề ra nhiều giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số tại địa phương.
Sau Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận năm nay, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2025 - 2030. Trong đó có đặt mục tiêu phát triển kinh tế số với trọng tâm là doanh nghiệp, ưu tiên sử dụng các nền tảng số dùng chung của ngành, lĩnh vực phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Bình Thuận. Cụ thể phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh, còn tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Đồng thời tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng nền tảng chuyển đổi số đạt 90% và tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%.

Các sản phẩm địa phương tham gia trên Sàn thương mại điện tử Bình Thuận (ảnh minh họa).
Trong tháng 4/2025, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch Thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực và đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm vào thời gian tới. Trong đó có tính đến hỗ trợ kết nối tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh với hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ số, tập trung thúc đẩy kinh tế số ở 5 nhóm ngành, lĩnh vực trọng tâm gồm: Thương mại điện tử, Du lịch thông minh, Nông nghiệp thông minh, Sản xuất thông minh, Logistics thông minh. Mặt khác còn triển khai đồng bộ hạ tầng tiện ích số, công nghệ dịch vụ như về hạ tầng chữ ký số, thanh toán số, định danh và xác thực điện tử…
Tại Bình Thuận, thời gian qua các sở ngành chức năng cũng quan tâm phối hợp triển khai một số nội dung liên quan nhiệm vụ chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số. Như với ngành Công Thương thì hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử. Thể hiện bằng việc tập trung phát triển hoạt động kinh doanh trên môi trường điện tử, kết nối với người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng online, nhất là trên các sàn thương mại điện tử lớn…
Những năm gần đây, Sở Công Thương còn phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng Sàn thương mại điện tử Bình Thuận với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh của tỉnh và trên khắp cả nước đa dạng hóa các kênh bán hàng trực tuyến. Tiếp đó cũng kết nối với Sàn hợp nhất - Sàn Việt do Bộ Công Thương quản lý và vận hành, đồng thời tích cực vận động doanh nghiệp địa phương đưa nhiều sản phẩm lên sàn điện tử… Triển khai Đề án “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận”, hiện ngành đã hỗ trợ hơn 100 cơ sở với gần 300 sản phẩm tham gia. Thông qua mã QR giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh bảo vệ thương hiệu, uy tín, sản phẩm chất lượng trên thị trường trong lẫn ngoài tỉnh và từng bước vươn ra thị trường nước ngoài.
Trong khi với du lịch - một trong những trụ cột kinh tế của Bình Thuận cũng rất quan tâm việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Đến nay, ngành du lịch địa phương đã có nhiều cố gắng trong xây dựng bản đồ số, hệ thống thông tin du lịch thông minh, ứng dụng QR code, thanh toán không tiền mặt… Theo kế hoạch, Bình Thuận sẽ thực hiện khảo sát, đo lường và công bố kết quả về kinh tế số hàng năm trong lĩnh vực du lịch thông minh. Đồng thời kết nối doanh nghiệp khai thác các điểm du lịch với doanh nghiệp cung cấp nền tảng số và ứng dụng số để thúc đẩy du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh. Mới đây vào giữa tháng 5/2025, các đơn vị liên quan của tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Kết nối hệ sinh thái du lịch Bình Thuận”. Qua đó giúp ngành định hình tầm nhìn, chiến lược hay những hoạt động cụ thể để đưa du lịch Bình Thuận phát triển theo hướng thông minh, hiện đại và có sức hút…
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thuc-day-phat-trien-kinh-te-so-130330.html