Thúc đẩy phát triển kinh tế TP HCM

Nếu nền kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi, cộng thêm việc quyết liệt triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp thì trong năm 2024, TP HCM có thể đạt mức tăng trưởng 7%-7,5%

Tại phiên họp thường kỳ về kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2024 diễn ra ngày 1-8, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng của thành phố cả năm 2024 ít nhất là 7,5%.

Nhìn xa hơn, dài hơi hơn

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị tập trung vào 3 nhóm giải pháp lớn - động lực tăng trưởng, gồm: thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Các chuyên gia cho rằng nếu quyết tâm thực hiện các giải pháp lớn đề ra, TP HCM hoàn toàn thực hiện được mục tiêu tăng trưởng nêu trên, "bù đắp" cho tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 5 năm 2021-2025, cũng như tạo sức bật cho những năm tới.

Về việc thực hiện vốn đầu tư công, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cho biết TP HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2024 là hơn 79.200 tỉ đồng. Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước TP HCM, tính đến ngày 26-7, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố đã giải ngân là hơn 11.800 tỉ đồng - đạt gần 15% số vốn được giao.

TP HCM nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TP HCM nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bà Mai cho rằng số vốn cần giải ngân trong năm 2024 lên đến hơn 79.200 tỉ đồng - cao gấp 1,15 lần so với năm 2023 và cao nhất từ trước đến nay, là một thách thức lớn mà TP HCM đã và đang ra sức thực hiện. Theo bà Mai, từ đầu năm đến nay, Sở KH-ĐT đã tham mưu cho UBND TP HCM ban hành các chỉ đạo, điều hành liên quan đến đầu tư công. Sở cũng đã triển khai đến các đơn vị, chủ đầu tư hoàn tất việc lập, lên kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, bảo đảm kế hoạch đầu tư công mà thành phố đã đặt ra.

Với vốn bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm hơn 22.000 tỉ đồng và với Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1-8, lãnh đạo Sở KH-ĐT kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết giải ngân nhanh phần vốn này, góp phần đạt tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong năm 2024.

Đồng tình với mục tiêu mà TP HCM đề ra, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, khuyến nghị từ nay đến cuối năm, thành phố cần chú trọng nhiều hơn đến kích cầu tiêu dùng và đầu tư công. Nhóm chính sách này vừa giúp tổng cầu hồi phục nhanh hơn và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu; qua đó, giảm thiểu tính chu kỳ của nền kinh tế trong nước trước những biến động của nền kinh tế thế giới. Vấn đề này càng trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh TP HCM và cả nước phải thích nghi với nền kinh tế thế giới ngày càng trở nên rủi ro và bất định.

TS Trương Minh Huy Vũ đánh giá kinh tế TP HCM nửa đầu năm 2024 tăng trưởng khá là kết quả của việc triển khai đồng bộ các biện pháp kích thích cả tổng cung lẫn tổng cầu. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là tiến độ giải vốn ngân đầu tư công vẫn chưa đúng nhịp độ mong muốn dù tăng mạnh về giá trị tuyệt đối. Thực tế, giải ngân đầu tư công của TP HCM trong 2 năm qua đều chậm ở 2 quý đầu năm; chỉ chạy nước rút ở quý cuối của năm nên không đạt chỉ tiêu.

"Vấn đề tăng trưởng của thành phố không chỉ nằm ở con số mục tiêu của năm mà phải nhìn xa hơn, dài hơi hơn. Dù 2 năm nay, tăng trưởng kinh tế của thành phố có phần "trầm lắng" nhưng đây cũng là giai đoạn hệ thống cơ sở hạ tầng mới trên địa bàn và vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh, tạo nền tảng để kinh tế khu vực chuyển mình những năm tới" - TS Trương Minh Huy Vũ nhìn nhận.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng

Báo cáo về kinh tế TP HCM của Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) vừa công bố cho thấy hoạt động xuất khẩu của thành phố sẽ tiếp tục thuận lợi từ 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc. Tăng trưởng trong xuất khẩu sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phục hồi của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn.

Dù vậy, báo cáo này nêu rõ tăng trưởng đầu tư trên địa bàn TP HCM đang có xu hướng thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Trong bối cảnh nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm và mặt bằng lãi suất cho vay đang tăng lên, các doanh nghiệp (DN) trong nước có khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn từ nay tới cuối năm. Đây là "điểm nóng" mà TP HCM cần phải tập trung theo dõi.

Nêu giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho TP HCM, các chuyên gia UEH đề xuất thành phố nên tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích thích tiêu dùng của người dân. Theo đó, cần nghiên cứu kết nối các chương trình này với các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để tăng hiệu ứng lan tỏa; tổ chức những sự kiện tập trung ở cấp quận, huyện nhằm hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm tới người dân. Song song đó, cần tăng cường kết nối với các địa phương lân cận để hỗ trợ DN của TP HCM quảng bá sản phẩm.

TS Hồ Hoàng Anh, Trưởng nhóm Nghiên cứu Báo cáo Kinh tế TP HCM chủ đề phục hồi và thách thức của Đại học Kinh tế TP HCM, nhìn nhận cùng với xuất khẩu, tiêu dùng trên địa bàn thành phố tiếp tục xu hướng hồi phục, đang có xu hướng nhỉnh hơn mặt bằng chung cả nước. Nếu nền kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi như kỳ vọng, cộng thêm việc TP HCM quyết liệt triển khai hiệu quả đồng bộ các giải pháp, mức tăng trưởng cả năm nay có thể đạt 7%-7,5%.

"Quan trọng hơn, thành phố cần tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và xanh hóa. Đây là yếu tố then chốt giúp thành phố nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn" - TS Hồ Hoàng Anh nhận định.

Ông TRƯƠNG MINH HUY VŨ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM:

Tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp

Để TP HCM đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 7,5%, UBND TP HCM đã có dự thảo Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm và thường xuyên trong tháng 7, tháng 8 và thời gian tới.

Theo đó, nhóm 1 là tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công và tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư. Nhóm 2 là giải pháp cải cách hành chính và triển khai quyền hạn đã được phân cấp, ủy quyền cho TP HCM trong Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, cụ thể hơn là Nghị định 84/2024 của Chính phủ. Nhóm 3 là thúc đẩy chi tiêu công hiệu quả và đẩy mạnh tiêu dùng, kích cầu, trong đó nhấn mạnh chuyển đổi số trong thương mại điện tử - một động lực mới.

Nhóm 4 tập trung vào hoạt động xuất nhập khẩu. Hoạt động này cần thêm các "đôi cánh", các trợ lực, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Nhóm 5 là về bảo vệ môi trường, thúc đẩy các dự án phục vụ an sinh xã hội và mở rộng quỹ đất để phát triển; tập trung vào các dự án nhà ở xã hội, quỹ đất khu công nghiệp mới.

Nhóm 6 là thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới về kinh tế số, chuyển đổi số, qua đó tăng cường nguồn vốn xanh cho TP HCM; chương trình xây dựng TP HCM thành trung tâm dịch vụ lớn, dịch vụ mới của cả nước. Nhóm 7 là ngoại giao kinh tế, hợp tác quốc tế thông qua các chuyến đi của lãnh đạo TP HCM; mở rộng lực lượng, mở rộng nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu trên.

Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM đang tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các sở, ngành, đơn vị để hoàn thiện dự thảo Chỉ thị trình UBND TP HCM ký ban hành.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA):

Kỳ vọng đầu tư công tạo nguồn việc làm lớn

Hoạt động của DN trên địa bàn thành phố có tín hiệu ấm dần. Các DN ngành dệt may đã có đơn hàng trở lại và có thể duy trì đến cao điểm mùa mua sắm cuối năm. Lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản cũng tăng trưởng khá. DN lớn, ngành công nghệ cao có sự phục hồi nhanh hơn; còn DN nhỏ và vừa thì cố gắng duy trì hoạt động, ổn định công ăn việc làm.

Từ ngày 1-8, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực với nhiều chính sách mới và TP HCM đang có dự thảo về bảng giá đất điều chỉnh. DN đang kỳ vọng TP HCM triển khai nhanh để giải quyết các điểm nghẽn, tạo thêm động lực thúc đẩy DN phát triển. Ngoài ra, nhiều DN cũng đang mong chờ chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội sớm được triển khai, để qua đó giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng.

Sở KH-ĐT TP HCM đang lấy ý kiến các sở, ngành để thành lập tổ công tác chuyên ngành nhằm thẩm định dự án nào nằm trong kỳ hỗ trợ. Chúng tôi kỳ vọng việc TP HCM tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo nguồn việc làm lớn cho DN.

P.Anh - T.Phương ghi

THÁI PHƯƠNG - PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thuc-day-phat-trien-kinh-te-tp-hcm-196240802215117412.htm