Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn: Hướng đi tất yếu cho tăng trưởng bền vững

Kinh tế tuần hoàn là một trong những hướng đi quan trọng nhằm phát triển bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, mô hình này đã từng bước được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các chương trình, đề án cụ thể của tỉnh, tạo nền tảng cho một chu trình sản xuất, tiêu dùng xanh, tuần hoàn và bền vững hơn.

Công ty CP Giấy Việt Trì áp dụng các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả vận hành và giảm tiêu hao nguyên liệu.

Công ty CP Giấy Việt Trì áp dụng các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả vận hành và giảm tiêu hao nguyên liệu.

Tận dụng tài nguyên, giảm phát thải

Tỉnh Phú Thọ (mới) được hợp nhất từ ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng và không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh giữ vai trò thiết yếu trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường và hướng tới tăng trưởng xanh.

Theo Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kinh tế tuần hoàn là mô hình mà toàn bộ quá trình thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, cung cấp dịch vụ đều hướng đến mục tiêu giảm khai thác tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế phát sinh chất thải và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Trên địa bàn tỉnh, kinh tế tuần hoàn đang từng bước được triển khai trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, quản lý chất thải... góp phần định hình mô hình phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh từng bước hoàn thiện hạ tầng xử lý chất thải nhằm đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra theo hướng tuần hoàn, khép kín. Đến nay, trên 80% khu công nghiệp và hơn 50% cụm công nghiệp của tỉnh đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn. Việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp không chỉ giúp tận dụng hiệu quả các nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng, giảm chi phí xử lý chất thải mà còn hạn chế khai thác tài nguyên mới, sử dụng tiết kiệm nước và tăng hiệu quả sử dụng nguyên, vật liệu.

Công ty CP Giấy Việt Trì với sản lượng sản xuất khoảng 150.000 tấn giấy thành phẩm/năm đã triển khai nhiều giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải. Mỗi năm, doanh nghiệp tiêu thụ gần 900.000m3 nước, trong đó khoảng 70% được tái sử dụng sau khi xử lý nhờ hệ thống xử lý nước thải được đầu tư tương đối bài bản.

.Ông Trần Văn Mạnh - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Công ty cho biết: “Việc thu hồi và tái chế giấy được ngành giấy chú trọng triển khai song song với đầu tư công nghệ, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu tác động đến môi trường, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, Công ty sử dụng phế liệu giấy làm nguyên liệu sản xuất, trong đó, lượng lề tái sinh để sản xuất giấy bao bì chiếm 90% lượng nguyên liệu. Và từ năm 2014, Công ty đã chuyển đổi nhiên liệu lò hơi từ than sang phụ phẩm từ chế biến gỗ, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng được nguồn nguyên liệu tái tạo”.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế tuần hoàn bước đầu dựa trên cơ sở ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, tổ chức sản xuất theo vùng tập trung quy mô lớn, áp dụng quy trình canh tác an toàn, hữu cơ, giảm sử dụng vật tư đầu vào có nguồn gốc hóa học, tận dụng phụ phẩm và nâng cao giá trị nông sản. Đến nay, diện tích cây trồng toàn tỉnh có 3.900ha được cấp chứng nhận VietGAP; 153ha đạt GlobalGAP; 1.900ha đạt chứng nhận RA; gần 110ha được chứng nhận hữu cơ. Nhiều loại phế phẩm trong nông nghiệp được tái sử dụng làm phân bón hữu cơ, giảm lượng chất thải thải ra môi trường.

Trang trại của chị Văn Thị Yến (xã Vĩnh Tường) có quy mô canh tác trên 1ha, trong đó, diện tích nhà lưới tập trung trên 5.000m2 trồng các loại dưa leo, dưa lưới, nho... Chị Văn Thị Yến cho biết: “Trang trại canh tác theo hướng hữu cơ và áp dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật 4.0 vào sản xuất, triển khai hệ thống giám sát nông nghiệp thông minh giúp kiểm soát hiệu quả các yếu tố môi trường, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tích hợp dinh dưỡng, đưa nước và chất dinh dưỡng trực tiếp đến cây. Ngoài ra, trang trại sử dụng hệ thống chiếu sáng bổ sung khi ánh sáng tự nhiên không đủ, kết hợp quản lý độ ẩm, nhiệt độ trong nhà lưới nhằm tạo điều kiện tối ưu cho cây trồng phát triển. Đặc biệt, yếu tố bền vững được chú trọng thông qua việc tận dụng phụ phẩm từ quá trình sản xuất để ủ thành phân hữu cơ, góp phần xây dựng mô hình nông nghiệp xanh, phát thải thấp, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp tuần hoàn hiện nay”.

Không chỉ trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hoạt động sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cũng có những tín hiệu tích cực, đã có một số sáng kiến, mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững, mô hình sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, tái chế, tái sử dụng chất thải được nhân rộng.

Trang trại của chị Văn Thị Yến (xã Vĩnh Tường) canh tác theo hướng hữu cơ, giảm phát thải.

Trang trại của chị Văn Thị Yến (xã Vĩnh Tường) canh tác theo hướng hữu cơ, giảm phát thải.

Đồng bộ giải pháp - Tạo động lực cho kinh tế tuần hoàn phát triển

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tài nguyên ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm môi trường gia tăng, phát triển kinh tế tuần hoàn không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Dù mang lại lợi ích lâu dài về kinh tế và môi trường nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa thực sự hiểu rõ về mô hình này cũng như cách thức áp dụng vào thực tiễn. Đặc biệt, chi phí đầu tư ban đầu cho hạ tầng, công nghệ tái chế, xử lý chất thải và thiết kế quy trình sản xuất tuần hoàn khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là quy mô nhỏ gặp khó khăn. Tuy vậy, chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với các doanh nghiệp công nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường và hội nhập quốc tế, buộc doanh nghiệp phải thích ứng, chủ động đổi mới công nghệ, điều chỉnh quy trình sản xuất.

Ngày 23/1/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 222/QĐ/TTg về Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Kế hoạch cụ thể hóa lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tuần hoàn với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, ngành, lĩnh vực ưu tiên để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và địa bàn quản lý được giao.

Trên cơ sở đó, tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động nhằm hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường. Từ đó, phát triển mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.

Phát triển kinh tế tuần hoàn là một quá trình chuyển đổi lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội, từ cá nhân, doanh nghiệp đến cộng đồng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong quá trình đó, Nhà nước, các cơ quan chức năng giữ vai trò quan trọng trong việc huy động và phân bổ các nguồn lực như tài chính, nghiên cứu, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Khi có cơ chế, chính sách khuyến khích và được triển khai đúng hướng, kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra không gian phát triển mới với các mô hình sản xuất sạch, tiêu dùng bền vững, hạn chế chất thải và tận dụng tối đa giá trị tài nguyên.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thuc-day-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-huong-di-tat-yeu-cho-tang-truong-ben-vung-235709.htm