Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí

Với khoảng 3,6 nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ khí đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 48 nghìn lao động, ngành cơ khí của tỉnh đã từng bước làm chủ và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển. Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn cung ứng vật liệu sản xuất đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành này.

Sản xuất tại Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên (Yên Mỹ)

Sản xuất tại Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên (Yên Mỹ)

Theo thống kê của ngành chức năng, cơ cấu sản phẩm công nghiệp cơ khí của tỉnh ngày càng đa dạng, như: Luyện cán thép (làm nguyên liệu), đúc thép, đúc hợp kim, sản xuất động cơ, đúc chi tiết máy công nghiệp... Trong đó, tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô.

Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí của tỉnh có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, với việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đang đứng trước những cơ hội lớn, có ưu thế hơn khi có thể xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay, linh kiện kim loại sản xuất nội địa của tỉnh đáp ứng được 85-90% nhu cầu sản xuất xe máy, khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô, khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; cung ứng khoảng 10% nhu cầu linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao... Trong một số lĩnh vực trọng yếu, các doanh nghiệp cơ khí của tỉnh có thể làm chủ được công nghệ, sản xuất chế tạo các loại thiết bị cơ khí phục vụ ngành khai khoáng, nhiệt điện, hóa chất, các thiết bị đồng bộ phục vụ chế tạo các nhà máy công nghiệp... Điển hình như: Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam, Công ty TNHH Cơ khí chính xác Ding Hong, Công ty cổ phần Khuôn mẫu TOMOCO Việt Nam… Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam (VAP) có trụ sở tại huyện Văn Lâm là chủ đầu tư Nhà máy Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD. Đây là một trong những mô hình hợp tác thành công đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy tại Việt Nam. VAP là doanh nghiệp cung cấp phụ tùng cho Tập đoàn Honda, đồng thời VAP cũng là doanh nghiệp cơ khí lớn nhất tại tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 1,5 nghìn lao động.

Thời gian qua, tỉnh định hướng thu hút các dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường để tạo động lực tăng trưởng. Với mục tiêu thúc đẩy ngành cơ khí phát triển mạnh mẽ hơn, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ đạo, tỉnh gia tăng các chương trình, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, tiếp tục tập trung hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho các lĩnh vực cơ khí phục vụ các ngành cơ khí ô tô, xe máy, cơ khí xây dựng, thiết bị vật tư ngành điện... Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh kết nối với các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị nhằm tiếp cận và nhận chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, chú trọng đến các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 để có cơ hội thay đổi đột phá. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng cơ hội tiếp cận nhiều bạn hàng lớn và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm cơ khí của tỉnh…

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp cơ khí của tỉnh phần lớn chưa làm chủ được nguồn vốn, phải đi vay để đầu tư với lãi suất cao và bị ràng buộc bởi các điều kiện bất lợi của nhà tài trợ hay đối tác tài chính; công nghệ còn đơn giản. Cùng với đó là sự thiếu liên kết và tập hợp của các doanh nghiệp cơ khí, dẫn tới khó hình thành các doanh nghiệp cơ khí chuyên sâu, mang lại hiệu quả đầu tư. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Đa phần doanh nghiệp trong nước có quy mô vừa và nhỏ nên rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn, cũng như khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Chỉ riêng về thuế, nếu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam sẽ được miễn, giảm thuế nhập khẩu công nghệ, dây chuyền sản xuất; lãi suất vay trung hạn dành cho sản xuất cũng ở mức thấp; được hưởng ưu đãi chi phí thuê đất, thậm chí là được hỗ trợ diện tích đất đầu tư; được giảm chi phí tiền điện; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm đầu… Còn với doanh nghiệp trong nước, nếu nhập khẩu công nghệ, dây chuyền đầu tư cho sản xuất cũng phải tìm kiếm đất xây dựng nhà xưởng...

Cộng đồng doanh nghiệp nói chung, ngành cơ khí trong tỉnh nói riêng rất cần được quan tâm về chính sách, được hỗ trợ giải quyết một số vấn đề vướng mắc để phát triển. Trong đó, việc hỗ trợ vốn vay, kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn lớn quốc tế là hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy và “tạo lực kéo” để ngành cơ khí tham gia vào chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế, chính sách linh hoạt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng tỉ lệ nội địa hóa...

Phạm Đăng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/thuc-day-phat-trien-nganh-co-khi-3174517.html