Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới

Thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra những cơ hội mới và tiềm năng lớn cho doanh nghiệp, như giúp gia tăng cơ hội xuất nhập khẩu, tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo ra nguồn thu lớn.

Ngày 11/8, trong khuôn khổ Triển lãm thương mại điện tử xuyên biên giới lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Hải quan đã tổ chức tọa đàm về chủ đề “Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới”.

Các diễn giả chia sẻ về thực trạng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: Đỗ Doãn

Các diễn giả chia sẻ về thực trạng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: Đỗ Doãn

Sự kiện có sự tham gia của đại diện các cơ quan thuộc Tổng cục Hải quan, cục hải quan các tỉnh, thành phố; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia); Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương); Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng khoảng 150 doanh nghiệp (DN) liên quan…

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã cùng đại diện các DN chia sẻ về thực trạng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và triển vọng mới; những rào cản, vướng mắc giữa cơ chế quản lý và DN hoạt động xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; các vấn đề về đổi mới chính sách, quy trình quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng…

Theo bà Vũ Thị Ánh Hồng - Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan, Trưởng Ban tổ chức, thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra những cơ hội mới và tiềm năng to lớn cho DN. Việc tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới giúp DN gia tăng cơ hội xuất khẩu, nhập khẩu, tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo ra nguồn thu lớn.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Đỗ Doãn

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Đỗ Doãn

Mặc dù thương mại điện tử xuyên biên giới đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các DN Việt Nam, như phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến pháp lý, quản lý vận chuyển, chính sách và thủ tục hải quan, thuế và chính sách thương mại quốc tế. Theo đó, DN cần có kiến thức và hiểu biết sâu về các quy định, quy trình thương mại quốc tế để đảm bảo tuân thủ đúng và tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh.

Thông qua tọa đàm, ban tổ chức mong muốn các cơ quan quản lý, DN, hiệp hội đề xuất những giải pháp hữu hiệu về đổi mới chính sách, quy trình quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.

‘‘Đặc biệt là nhằm thúc đẩy hoàn thiện nghị định của Chính phủ quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, là cơ sở để hoàn thiện chính sách hải quan thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển’’ - bà Vũ Thị Ánh Hồng nói.

Việt Nam chưa có quy định riêng về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nên chưa có đủ cơ sở thống kê đầy đủ lượng hàng hóa này. Tuy nhiên, qua công tác quản lý hải quan cho thấy, số lượng giao dịch thương mại điện tử phát triển nhanh, nhất là hàng giao dịch điện tử gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính vì vậy cần có các quy định cụ thể.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-day-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-133798.html